- Trong ngày đầu (2/4) xét xử vụ hỗn chiến trên sông Yên (giáp 2 huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương, Thanh Hóa) khiến 12 người thương vong, hai bị cáo bị truy tố về “tội giết người”, “cố ý gây thương tích” đã không chấp nhận bản cáo trạng và khai trước tòa rằng “do bị ép cung”.

Đối mặt với án tử

Ngày 2/4, TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử vụ án hình sự tranh chấp bãi ngao trên sông Yên khiến 3 người chết và 9 người bị thương vào trưa ngày 7/7/2013. Phiên tòa sẽ kéo dài trong 2 ngày (2-3/4).

19 bị cáo đã được đưa đến phiên tòa đúng giờ để tham gia trong buổi xét xử.

Trong đó, 2 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích” gồm: Nguyễn Văn Tuyển (SN 1987) và Phạm Văn Thành (SN 1994); 17 bị cáo bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”

{keywords}
Bị cáo Thành khai trước tòa bị ép cung

Đứng trước bản án cao nhất, 2 bị cáo là Nguyễn Văn Tuyển và Phạm Văn Thành được cho là người trực tiếp tham gia vụ hỗn chiến đã kháng cáo và cho rằng mình bị ép cung.

17 bị cáo bị truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng:

Nguyễn Văn Đạt (SN 1986), Phạm Văn Tám (SN 1979), Đinh Văn Hà (SN 1982), Trần Văn Quân (SN 1985), Lê Văn Hòa (SN 1962), Lê Văn Linh (SN 1969), Hoàng Văn Quang (SN 1990), Đinh Văn Dũng (SN 1987), Trần Quốc Hùng (SN 1979), Vũ Văn Trung (SN 1989), Đặng Văn Sinh (SN 1987), Vũ Văn Trường (SN 1987), Lê Văn Mạnh (SN 1981), Ngô Văn Sơn (SN 1991), Đinh Bá Thịnh (SN 1982), Tô Văn Thêm (SN 1981), Vũ Văn Thành (SN 1990). Tất cả các bị cáo đều ngụ huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Theo cáo trạng, do lợi ích kinh tế của nguồn lợi thủy sản, các hộ dân 2 bên bờ sông Yên thuộc xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) và xã Hải Châu (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), đã tranh chấp nhau về địa giới để khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Sáng 7/7/2013, bên phía xã Quảng Nham có 25 - 30 bè, mỗi bè chở 2 - 5 người. Phía bên xã Hải Châu có 2 bè và 1 thuyền với khoảng 15 người đi ra vùng tranh chấp.

Khi thuyền, bè của 2 bên tiến lại gần nhau thì những người đi trên bè, thuyền dùng gạch, đá, gậy và các hung khí khác mang theo để ném, đánh nhau tạo thành một cuộc hỗn chiến.

Trong lúc hỗn chiến, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển đã cầm dao nhảy sang bè của anh Tô Quốc Dũng và hô to: “Chém chết mẹ bọn nó đi”, rồi dùng dao chém anh Tô Văn Mạnh bị thương, tổn hại 15% sức khỏe.

Sau đó, Tuyển tiếp tục dùng dao và hung khí chém anh Tô Văn Dầu, nhảy xuống sông đuổi anh Dương Văn Quân chém nhiều nhát vào đầu, mặt khiến anh Quân tổn hại 38% sức khỏe.

Còn bị cáo Phạm Văn Thành, sau khi chém anh Dầu, Thành hung hăng cầm dao nhảy xuống sông chém chết ông Tô Quốc Dũng khi ông Dũng đang bám vào cọc trên sông.

Cuộc hỗn chiến đã khiến 3 người rơi xuống sông chết là ông Tô Quốc Dũng (SN 1952), ông Lê Văn Hiệu (SN 1966) cùng ngụ xã Hải Châu; và anh Lữ Kiên Cường (ngụ xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương)

‘Tôi bị ép cung’

Trước bản cáo trạng trên, trong phần xét hỏi cả hai bị cáo Tuyển và Thành đều một mực bác bỏ cáo trạng mà VKSND tỉnh Thanh Hóa truy tố về “tội giết người”, “cố ý gây thương tích”.

{keywords}
Các bị cáo trước vành móng ngựa

Tại phiên xét xử chiều cùng ngày, trong phần xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Thành cho rằng mình không giết người.

Trong những bản khai trước đó, Thành cho rằng mình bị công an ép cung. “Sau khi đánh nhau xong, tôi ở nhà đến tận ngày 12/7 thì được mời ra xã, sau đó bắt tạm giam chứ tôi không ra đầu thú như trong lời khai.

Tôi không giết người, tôi bị ép cung và bắt khai nhận những gì mà cán bộ điều tra hướng dẫn”, bị cáo Thành nói trước tòa.

Chủ tọa hỏi: Sao trong bản khai bị cáo khai chi tiết rõ ràng về người mình chém vậy, nhưng giờ lại phủ nhận?. Thành trả lời: “Lúc gọi lên tôi bị ép ký vào bản lời khai, tôi không ký thì bị đánh đau quá nên tôi phải ký, chứ tôi không chém chết ông Tô Quốc Dũng”.

Bị cáo Thành cũng thừa nhận mình có chém một người vào cánh tay, sau đó nhảy xuống nước chém một người nữa đang ôm cọc, chứ không chém chết ai cả.

Còn bị cáo Nguyễn Văn Tuyển có thừa nhận chém người, nhưng không cầm sẵn hung khí. Trong lúc hỗn chiến, Tuyển đã cướp được hung khí của một số người dân bên phía Hải Châu.

Trong vụ án này, Lê Văn Hiệu và Lữ Kiên Cường là những người tham gia vào cuộc hỗn chiến, đánh nhau với các hộ dân của xã Quảng Nham, hậu quả đã dẫn đến tử vong. Quá trình điều tra chưa làm rõ được đối tượng gây nên cái chết cho 2 người trên, Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Ngoài ra còn có một số đối tượng khác của 2 xã tham gia vào cuộc hỗn chiến nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa chưa xác định được hành vi cụ thể của các đối tượng nên chưa có căn cứ để khởi tố.

Lê Anh