Bước đi của Vivo diễn ra trong bối cảnh thị trường nước nhà đang yếu đi và cạnh tranh tăng cao buộc họ phải mạo hiểm tiến đánh những khu vực vượt ngoài phạm vi ban đầu của mình.
Một thương hiệu smartphone mới mang tên iQoo vừa được công bố hôm qua trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, với nội dung bằng tiếng Anh đơn giản là: "Hello, this is iQoo" (Chào, đây là iQoo). Hãng còn đùa vui và khuyến khích mọi người đoán xem cái tên này được phát âm ra sao, bởi iQoo nghe chẳng giống tiếng Trung Quốc, cũng chẳng phải tiếng Anh. Vivo gọi iQoo là một "người bạn mới".
Tuy nhiên, Vivo vẫn chưa tiết lộ mối quan hệ của mình với iQoo, dù tài khoản Weibo của iQoo được xác nhận đứng tên bởi Vivo.
Thương hiệu con đã trở thành một chiến thuật phổ biến trên thị trường smartphone Trung Quốc nhằm thu hút người dùng mới đến từ các phân khúc độ tuổi khác nhau, trong khi vẫn đảm bảo không can thiệp gây ảnh hưởng lên hình ảnh thương hiệu hiện tại. Là hãng smartphone đứng thứ 3 Trung Quốc xét về doanh số bán ra trong năm 2018, Vivo là hãng duy nhất trong top 5 hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc chưa có thương hiệu con riêng.
"Thương hiệu con có thể giúp lấp đầy khoảng trống bên trong các công ty mẹ. Tôi nghĩ iQoo là một thương hiệu được sinh ra cho thị trường chơi game, các kênh bán hàng trực tuyến, hay nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi, tương tự như Honor của Huawei" - Giám đốc nghiên cứu James Yan của Counterpoint cho biết.
Huawei đã củng cố vị trí đầu bảng của mình với doanh số bán ra tăng bền vũng trong năm ngoái, và chiến thuật họ sử dụng chính là thương hiệu con. Thương hiệu con của hãng là Honor, nhắm vào phân khúc tầm trung, trong khi Huawei đánh vào phân khúc cao cấp. "Người anh em" của Vivo là Oppo - đều thuộc nhà sản xuất điện tử BBK - đã tung ra thương hiệu con chỉ bán trực tuyến Realme vào năm 2018, sau khi Xiaomi tung ra thương hiệu con Redmi tại thị trường Ấn Độ. Xiaomi vẫn tiếp tục sử dụng thương hiệu con Poco cho phân khúc cao cấp tại đây, và để củng cố phương hướng đa dạng hóa, Redmi sẽ bắt đầu hoạt động như một thương hiệu con độc lập bắt đầu từ tháng 1 năm nay, nhắm vào phân khúc giá rẻ.
Những động thái này diễn ra sau nhiều năm thị trường smartphone đang bùng nổ tại Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Doanh số smartphone tổng thể giảm 11% trong năm 2018, khi mà người dùng ngày càng ít có nhu cầu nâng cấp thiết bị của mình. Các công ty trong nước phản ứng rất nhanh bằng cách đánh ra thị trường toàn cầu và giới thiệu những tính năng rất "hot" như màn hình gập của Xiaomi, hay màn hình đục lỗ của Honor, gây không ít khó khăn cho hai ông lớn Apple và Samsung. Trong năm 2018, Huawei đã vươn lên vị trí đầu bảng, chiếm 25% thị phần tại Trung Quốc, bỏ lại đằng sau là Oppo, Vivo, Xiaomi và Apple. Samsung tụt dốc không phanh đến 67%, đứng ở vị trí thứ 7.