Trong vụ 14.140 điện thoại di động (smartphone) bị nghe lén do Cty Việt Hồng cung cấp dịch vụ, một chi tiết…lạnh người được các chuyên gia bảo mật chỉ ra là các thông tin, dữ liệu về đối tượng bị nghe lén cũng như người mua dịch vụ nghe lén không hề được bảo mật và bảo vệ.

Năm 2009 khi vụ bán lén lút phần mềm nghe lén của Cty trinh Thám tại TPHCM bị phát hiện và bắt giữ, thì mức độ cũng mới chỉ dừng lại là bán phần mềm.

Nhưng trong vụ việc của Cty Việt Hồng vừa vỡ lỡ thì đã khác, người mua không chỉ đơn thuần mua một phần mềm nghe lén (hay còn gọi là phần mềm gián điệp) mà còn được cung cấp cả một dịch vụ. Bởi Việt Hồng thu tiền theo thuê bao tháng (gói Ptracker 400.000 đồng/tháng), cung cấp tài khoản để truy cập lấy thông tin, dữ liệu.v.v…

{keywords}

Người bị nghe lén là nạn nhân đã đành, nhưng kẻ đi nghe lén cũng có thể trở thành nạn nhân.

Sự bắt tay giữa người mua và kẻ bán ở đây cho thấy khá chặt chẽ và lâu dài chứ không phải mua đứt bán đoạn như đối với 1 món hàng tiêu dùng chỉ trong vài phút hay 1 giờ.

Nhiều người mua dịch vụ nghe lén, cứ nghĩ đơn giản rằng mọi thông tin - từ thông tin người bị nghe lén đến thông tin khách hàng (người mua dịch vụ nghe lén) - được bảo mật và họ hoàn toàn có quyền chủ động nắm giữ hay chia sẻ.

Tuy nhiên theo ông Ngô Tuấn Anh-Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Cty Bkav, tất cả thông tin, dữ liệu về người mua dịch vụ nghe lén và người bị nghe lén đều được bên bán (Cty Việt Hồng) lưu giữ trong máy chủ, và người mua dịch vụ chỉ là người được cung cấp lại thông tin đó thông qua tài khoản truy cập hệ thống mà thôi.

Theo chuẩn mực cung cấp các dịch vụ dữ liệu, lưu trữ thông tin.v.v…trên thế giới hiện nay, tất cả mọi thông tin về khách hàng và liên quan đều phải được nhà cung cấp dịch vụ mã hóa, thậm chí còn được bảo mật và bảo vệ qua nhiều lớp từ kĩ thuật công nghệ cho đến các qui định hành chính nghiêm ngặt.

Tuy nhiên ở trường hợp Cty Việt Hồng, hoàn toàn không có sự mã hóa và bảo vệ. Bất cứ một nhân viên nào của Việt Hồng làm công việc có liên quan đến hệ thống đều có thể đánh cắp dữ liệu ở dạng thô để phát tán nếu có ý đồ xấu hoặc mưu lợi cá nhân.

Chính vì thế đã xảy ra trường hợp có người bị lấy ảnh sex tung lên mạng để tống tiền hay những trường hợp phát tán thông tin riêng tư. Khi đó, ngay cả người mua dịch vụ nghe lén cũng không thể kiểm soát được tình hình, và kẻ phát tán với ý đồ trục lợi hoàn toàn có thể thực hiện tống tiền.v.v...

Với tình trạng trên hiện chưa thể biết chắc được có bao nhiêu thông tin bị nghe lén, bị đánh cắp đã bị phát tán hay rò rỉ ra bên ngoài phạm vi Cty Việt Hồng, và như vậy mức độ ảnh hưởng cũng có thể chưa lường hết được, chẳng khác nào dây thòng lọng đang treo lơ lững trước hàng chục ngàn đối tượng trong đó có cả những người là nạn nhân và những người là thủ phạm.

(Theo Lao động)