Trại cá sấu lớn nhất miền Bắc lao đao vì Covid-19
Người dân Hải Phòng không còn xa lạ với ông Cao Văn Tuấn, chủ trang trại cá sấu lớn nhất miền bắc. Ông là người đầu tiên đưa giống cá sấu Xiêm từ miền trong ra bắc và nhân giống thành công loài vật nuôi có giá trị kinh tế này. Ông nổi tiếng với biệt danh “Tuấn cá sấu” hay “vua cá sấu” bởi ông không chỉ kinh doanh mà còn có tình yêu đặc biệt với loài vật hung dữ, đáng sợ này.
Trại cá sấu lớn nhất miền bắc tại thành phố Hải Phòng. |
Chuồng nuôi cá sấu thưa thớt sau dịch Covid–19. |
Trang trại nuôi cá sấu của ông Tuấn đã có lịch sử hơn 20 năm, tọa lạc trên địa phận quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng) và có diện tích gần 10.000m2. Công ty chăm nuôi cá sấu của ông là một trong những doanh nghiệp lớn nhất miền bắc, chuyên cung cấp cá sấu giống, cá sấu thương phẩm, thịt cá sấu, da cá sấu. Theo ông Tuấn, bộ phận giá trị nhất của cá sấu là bộ da: “Da cá sấu có độ bóng, độ bền và hoa văn riêng biệt để tạo nên nét nghệ thuật cho mỗi sản phẩm”.
Ông “vua cá sấu đất Bắc” Cao Văn Tuấn. |
Đàn cá sấu hiện tại chỉ còn hơn 1000 con. |
Thông thường, chỉ chọn lấy da của cá sấu có tuổi đời từ 1,5 - 2 năm vì đây là giai đoạn bộ da đạt chất lượng tốt nhất, mềm, bóng và có độ đàn hồi cao.
“Vua cá sấu” cho biết, thương lái Singapore có thể trả giá 500 đô la cho một tấm da cá sấu đạt chuẩn.
Bộ phận giá trị nhất của cá sấu là bộ da bóng, đẹp, hoa văn đặc sắc. |
Dịch Covid–19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu và doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thời điểm hưng thịnh nhất, trang trại của ông Tuấn sở hữu hơn 3000 con cá sấu thuần chủng nhưng hiện tại chỉ còn hơn 1000 con.
Cá sấu ăn cầm chừng vẫn hết 4 - 5 tạ thức ăn mỗi ngày. |
Mặc dù đã cắt giảm toàn bộ nhân công và hạn chế tối đa các chi phí, trang trại của ông vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì. “Cá sấu thì ngày nào cũng phải ăn và mình không thể bỏ được. Mình cho ăn cầm chừng thôi, mỗi ngày vẫn hết 4 – 5 tạ thức ăn. Tiền điện, tiền nước và mọi hoạt động trong trang trại vẫn phải duy trì nhưng đầu ra thì gần như không có, không bán được”, ông Tuấn chia sẻ.
Vì vậy, ông chọn cách “lấy ngắn nuôi dài”, sử dụng những nguồn dự trữ tái đầu tư từ trước để chi tiêu cho trang trại.
Cá sấu trầm mình bơi lội để tránh nóng mùa hè. |
Dù tình hình dịch bệnh còn căng thẳng, gây nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu các sản phẩm từ cá sấu nhưng ông “Vua cá sấu đất bắc” không lúc nào mất niềm tin. “Cá sấu chọn tôi chứ không phải tôi chọn cá sấu”, ông Tuấn tin rằng niềm đam mê dành cho loài động vật đặc biệt này sẽ đưa ông đến với thị trường xuất khẩu thế giới trong tương lai.
(Theo Dân Trí)