Từ vùng đất cằn khô, sỏi đá, Hoà Phát đã biến thành một trung tâm sản xuất thép chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tập đoàn này cũng đang hướng đến lọt top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Làm thép chất lượng châu Âu
Khu Liên hợp thép Hòa Phát tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) gây choáng ngợp cho những ai lần đầu đến thăm quan. So với 7 năm trước, dự án này đang dần trở thành biểu tượng cho một nền sản xuất công nghiệp. Cây xanh phủ kín các lối đi, khác hẳn những hình dung về một lĩnh vực vốn mang nhiều định kiến về không thân thiện với môi trường.
Ít ai biết được rằng, gần 10 năm trước, khi còn là dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nơi đây đã trải qua cả thập kỷ hoang hoá, chỉ để thả trâu bò. Từ ngày về tay Hoà Phát, dự án thép này mới được hồi sinh và “đẻ ra tiền” tại vùng đất vốn cằn cỗi, chỉ trơ trọi cát, núi, và đá; là minh chứng cho thấy doanh nghiệp Việt đủ nội lực để làm được những sản phẩm vượt trội.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty Hòa Phát Dung Quất, hào hứng kể về hành trình trở thành trung tâm sản xuất của tập đoàn này.
“Khu Liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất có quy mô diện tích tương đương một khu công nghiệp lớn chứa cả ngàn DN khác trong nước. Với diện tích 700ha, dự án Hòa Phát Dung Quất dự kiến sản xuất 11-15 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 2 năm 2025”, ông Thọ chia sẻ.
Khu liên hợp thép Hoà Phát - Dung Quất là dự án duy nhất do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư, đủ sức sản xuất được thép cuộn cán nóng HRC. Đây là loại thép chất lượng cao, là nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất các loại thép cho công nghiệp chế tạo. Đặc biệt là các dòng thép kỹ thuật khó như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, cáp thép (thang máy, cẩu... ) phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hoà Phát Dung Quất chính là điểm khởi đầu cho khát vọng làm ra các sản phẩm thép chất lượng cao của “vua thép” Trần Đình Long - đúng như những gì vị tỷ phú này đã không ít lần tuyên bố.
Khi đề cập định hướng phát triển Hòa Phát trong tương lai, ông Trần Đình Long khẳng định luôn nhìn về tương lai 20, 30, 40 năm. Trong đó, Hòa Phát sẽ không mở rộng sản xuất các sản phẩm thép thông thường vì đây là các sản phẩm "tương đối dễ làm", mà chỉ tập trung nghiên cứu thép chất lượng cao và khó.
“Những loại thép nào Việt Nam chưa làm thì Hòa Phát sẽ tiếp tục nghiên cứu”, ông Long nhấn mạnh.
Với quy mô công suất 8,5 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Dự án Dung Quất 2, với tổng đầu tư lên tới 3 tỷ USD khi hoàn thành, sẽ giúp HPG vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, ông Trần Đình Long cho hay khi nhà máy Dung Quất 2 hoạt động, doanh thu của Hòa Phát sẽ tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng qua, tổng số nộp thuế, phí các loại của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất bao gồm thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa... đạt gần 7.500 tỷ đồng và là công ty đóng góp nhiều nhất trong số các thành viên của Tập đoàn Hòa Phát.
Mở rộng chủng loại thép
Theo Phó giám đốc Hồ Đức Thọ, với công suất hiện tại 3 triệu tấn/năm, dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn 2 Dung Quất Hòa Phát, nếu chạy hết công suất thiết kế, khu liên hợp sẽ cho ra lò thêm 5,6 triệu tấn thép HRC chất lượng cao mỗi năm.
Từ năm 2023, HRC của Hòa Phát đã được cấp CE Marking, đây là chứng nhận chất lượng quan trọng, được coi là ‘giấy thông hành’ để sản phẩm vào thị trường châu Âu.
Giờ đây, sản phẩm của Hoà Phát Dung Quất đã ngày một đa dạng hơn: Tanh lốp ô tô, container...
Phó Giám đốc Hồ Đức Thọ chia sẻ: Khi sản xuất các mác thép làm tanh lốp ô tô, độ sạch của thép là vấn đề trọng yếu vì đây là thép carbon cao có tính chất đặc thù. Để tạo ra được thép lỏng tinh khiết, phải lựa chọn nguyên liệu kỹ càng, việc nấu luyện, đúc thép loại bỏ gần như hoàn toàn tạp chất và chống tái oxy hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất.
“Trên thế giới chỉ có một số công ty lớn đầu ngành có thể sản xuất được mặt hàng này. Trong năm, bên cạnh các dòng trước đây, Hòa Phát đã thử nghiệm sản xuất thép cuộn chất lượng cao làm tanh lốp cho các xe cỡ lớn”, ông Thọ tự tin.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát cũng sản xuất thép xây dựng làm cốt bê tông cho các siêu công trình, đạt chứng nhận tiêu chuẩn BS4449 của Anh quốc.
Cho đến thời điểm hiện tại, Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép DBIC B500B. Ngay khi sản xuất thành công và được cấp chứng nhận BS4449 của Anh, sản phẩm đã được xuất sang thị trường Singapore và được nhiều đối tác nước ngoài quan tâm.
Đa dạng hóa sản phẩm, Hòa Phát sản xuất container “Made in Vietnam” cho hãng tàu Hapag-Lloyd. Cuối tháng 7/2024, Hòa Phát đã ký hợp đồng cung cấp 2.000 vỏ container 20DC cho Hapag-Lloyd, công ty vận tải container lớn nhất nước Đức và thuộc Top 5 công ty vận tải container thế giới.
Dù là tên tuổi còn rất mới trên thế giới trong mảng container, nhưng Hòa Phát liên tục nhận được nhiều đơn hàng từ những đối tác uy tín hàng đầu thế giới như Hapag-Lloyd, SeaCube...
Thép xanh và kinh tế tuần hoàn
Sản xuất trong lĩnh vực vốn mang nhiều định kiến là ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, các lãnh đạo của Hoà Phát hiểu rằng, chỉ có làm thật, làm nghiêm túc thì mới có thể xoá bỏ đi được quan niệm này. Bởi một phút lơ là, hậu quả với môi trường sẽ rất nặng nề, uy tín của doanh nghiệp không bao giờ lấy lại được. Trong xu hướng Net Zero như hiện nay, làm “thép xanh” mới tạo ra được sự phát triển bền vững cho Hoà Phát nói riêng cũng như các doanh nghiệp thép Việt Nam nói chung.
Quy trình sản xuất của Hoà Phát đang được triển khai theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
“Với Hòa Phát, chúng tôi khẳng định ngay là đã đầu tư thì phải đặt lên hàng đầu các tiêu chí về sinh thái, môi trường. Quy định của Việt Nam là bao nhiêu thì Hòa Phát ngay từ đầu dự án đã đạt tiêu chí cao hơn”, ông Thọ khẳng định.
Để hướng đến mục tiêu này, các công nghệ Hòa Phát đầu tư đều áp dụng các giải pháp tốt nhất để giảm phát thải, tái sử dụng, tuần hoàn.
“Vốn đầu tư cho các hạng mục về môi trường chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư cố định các dự án”, lãnh đạo Hoà Phát Dung Quất đưa ra con số dẫn chứng.
Năm 2023, Hòa Phát được BSI xác nhận hoàn thành Báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018, làm tiền đề đáp ứng các yêu cầu khác khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là khu vực EU.
Để có thép “xanh”, chất lượng không khí, nước được xử lý bằng các thiết bị bảo vệ môi trường hiện đại nhất trị giá tới hàng trăm triệu USD, giảm lượng tiêu thụ than và điện. Đối với nhiệt sinh ra trong quy trình sản xuất, Hòa Phát sử dụng công nghệ chuyển hoá lượng nhiệt dư khổng lồ này thành đầu vào để sản xuất điện. Lượng điện do Hoà Phát tự chủ chính là điện xanh vì không phải đốt thêm than hay bất cứ một vật chất nào khác, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Phó Giám đốc Hòa Phát Dung Quất khẳng định, tại Hòa Phát, công nghệ luôn là ưu tiên số 1. Ngay từ khi triển khai các khu liên hợp gang thép, giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo nên sản phẩm thép xanh, thân thiện với môi trường, tăng thêm sức cạnh tranh cho các sản phẩm thép Hòa Phát.
Trong tương lai, Hòa Phát sẽ hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới về luyện kim nhằm nghiên cứu thực hiện lộ trình công nghệ luyện kim trung hòa carbon. Thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng nhiên liệu khí thiên nhiên để hoàn nguyên quặng sắt, áp dụng công nghệ đúc cán liên tục để giảm tiêu hao năng lượng, tiến tới không phát thải CO2.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023.
Quý 3/2024, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 3.022 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 140% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với 85%, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 105 nghìn tỷ đồng doanh thu tương đương hơn 4 tỷ USD. Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt số nộp cả năm 2023.