Miền Tây Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.728,97km2, chiếm 83,3% diện tích toàn tỉnh; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, với 211 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 27 xã biên giới với 468,281km đường biên với Lào, 5 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy (Thanh Chương), 3 cửa khẩu phụ là Thông Thụ (Quế Phong), Tam Hợp (Tương Dương), Cao Vều (Anh Sơn); 4 đường quốc lộ nối hành lang kinh tế Đông - Tây và đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi trong giao thông với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực.
Dân số toàn vùng 1,237 triệu người (chiếm 36,28% dân số toàn tỉnh); trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 41 vạn người, chiếm 38,4% dân số toàn miền Tây, gồm nhiều dân tộc chung sống (như Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh...). Người dân miền Tây Nghệ An cần cù, có bản sắc văn hóa độc đáo, có nhiều kinh nghiệm, bài thuốc quý.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An trải dài trên 9 huyện miền núi với vùng lõi là vườn Quốc gia Pù Mát và 2 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Đây là khu vực giàu tiềm năng phát triển kinh tế rừng với cây lâm nghiệp phục vụ chế biến gỗ, đồ gỗ...; cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày như: Mía, chè, caosu... cây ăn quả như cam, quýt, bưởi...
Thời gian qua, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang khơi dậy tiềm năng, mở ra hướng đi mới cho vùng miền Tây của tỉnh. Với vùng đất này, mỗi sản phẩm OCOP không phải là phong trào mà chính là một chương trình kinh tế.
Với mục tiêu đưa các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng một cách bền vững, Nghệ An luôn lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo. Hiện nay Nghệ An đứng thứ hai cả nước về sản phẩm được gắn sao (xếp sau thành phố Hà Nội), khẳng định được vị thế của địa phương trên bản đồ OCOP Việt Nam.
Nghệ An xác định phát triển Chương trình OCOP theo hướng bền vững, lấy chất lượng và thương hiệu sản phẩm làm thước đo. Hiện nay nhiều mô hình tiêu biểu, nhiều cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, thể hiện tính bứt phá đã góp phần nâng tầm toàn diện ngành hàng nông nghiệp của tỉnh, biến diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.
Hiện nay, Nghệ An có 17 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, hệ thống khu trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh (trong đó, có 4 điểm được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, 13 điểm do chủ thể tự đầu tư).
Ngay từ khi bắt đầu Chương trình, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở Công Thương Nghệ An đã khảo sát để tìm hiểu thị trường đầu ra của các sản phẩm OCOP, từ đó phối hợp với các cơ quan ban ngành đề xuất các giải pháp phù hợp.
Nghệ An xác định tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP, từ đó hoạt động xúc tiến thương mại được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua. Bằng nhiều hình thức, thông qua tư vấn của Sở Công Thương Nghệ An hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP hoàn thiện thủ tục hành chính để kết nối vào các siêu thị và chuỗi bán lẻ; chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP nhờ các sàn thương mại điện tử.
Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khi tham gia thị trường xuất khẩu. Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh đang xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023-2025”.
Theo đó, đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất bốn sản phẩm đạt hạng 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm.
Cùng với đó, Nghệ An chú trọng phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; mỗi đơn vị cấp huyện có một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...
Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang yêu cầu các ban, ngành, cơ quan sớm bổ sung các chính sách liên quan để hoàn thiện đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023-2025” làm căn cứ để thực hiện. Thời gian tới, các ban, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện; trong đó, việc nâng hạng sao các sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm quan trọng hơn so với việc tăng số lượng sản phẩm; tiếp tục khắc phục những điểm yếu kém
Nhóm PV