Xác định phát triển du lịch là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong giảm nghèo, tỉnh Hà Giang đã huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ cho phát triển du lịch khu vực miền núi.

Trong đó, chú trọng phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đối với các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng. Đồng thời, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hoàn thiện dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo điều kiện phục vụ, thu hút khách, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch văn hóa địa phương. Chương trình cải tạo vườn tạp là điển hình trong việc lồng ghép hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan khang trang, sạch đẹp tại các bản làng vùng cao, qua đó nâng cao hình ảnh du lịch địa phương.

Đại diện Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang, cho biết, đa số chương trình này là hộ nghèo và cận nghèo người dân đầu tư cây trồng gắn với phát triển du lịch. Ở bốn huyện vùng cao núi đá, bà con trồng những cây ăn quả ôn đới như lê, mận, đào để gắn với các khu du lịch. 

Ảnh màn hình 2024 06 02 lúc 00.49.40.png
Vùng núi Hà Giang giảm nghèo nhờ phát triển du lịch. 

Với cách làm bài bản, chu đáo, hạ tầng du lịch Hà Giang từng bước được hoàn thiện. Cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ đã giúp cho du khách cảm nhận được hình ảnh của một Hà Giang thân thiện, mến khách, nhất là mỗi khi đến với khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn.

Phát triển du lịch trải nghiệm dựa trên tiềm năng thiên nhiên hoang sơ, cảnh quan núi rừng hùng vĩ. Thời gian qua công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ rừng luôn được các cấp, các ngành quan tâm, theo đó ý thức của người dân cũng ngày một nâng cao.

Việc nỗ lực bảo vệ diện tích rừng hiện có xác định là trọng điểm du lịch. Đặc biệt tại cao nguyên đá Đồng Văn, màu xanh của rừng đã trở lại và tạo cảnh quan rất đẹp. Nhiều cây đặc hữu đa dạng, phong phú phục vụ cho du lịch. Những năm qua du lịch đã được hỗ trợ rất nhiều từ lâm nghiệp. 

Bên cạnh đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao của Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ nhà nghỉ homestay phục vụ cho khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Đây là một trải nghiệm khá thú vị đối với du khách khi được cùng sinh hoạt và thưởng thức văn hóa ẩm thực cũng như bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang. Hình thức du lịch nhà nghỉ homestay đã mang lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, hình thức du lịch nhà nghỉ homestay còn góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang nâng cao trình độ dân trí, tiếp cận được với các kiến thức khoa học kỹ thuật để cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ những thành công bước đầu, UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra các chính sách nhằm khuyến khích phát triển dịch vụ nhà nghỉ homestay như hỗ trợ lãi suất cho vay để người dân phát triển mở rộng dịch vụ; chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ nhà nghỉ về phương pháp giao tiếp đối với khách du lịch, nhất là với khách du lịch nước ngoài bằng tiếng Anh...

Theo số liệu thống kê mới nhất, trong năm nay, tỉnh Hà Giang đã đón hơn 2,2 triệu lượt du khách, trong đó gần 220.000 lượt khách quốc tế, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch đạt gần 5.100 tỷ đồng, tăng 58,6%.

Riêng trong quý 1 năm nay Hà Giang đã đón trên 848.000 lượt khách, trong đó có trên 83.000 lượt khách quốc tế. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch đạt 70-80 triệu đồng/năm, nhiều hộ đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương.

Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, về đào tạo nguồn nhân lực, đến nay Sở đã mở được 54 lớp cho hơn 11.000 lượt người, giải quyết việc làm cho trên 11.200 người lao động. Trong đó có hơn 7.000 lao động trực tiếp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Trong những năm qua, với những đột phá trong phát triển du lịch, đời sống của người dân tỉnh Hà Giang đã có nhiều cải thiện, góp phần chung vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở địa phương. 

Năm 2024, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu giảm trên 7.800 hộ nghèo đa chiều, giảm từ 42,6% xuống còn 38,6%, hạn chế thấp nhất hộ nghèo phát sinh mới và tái nghèo. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Hà Giang xây dựng kế hoạch xác định đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025. 

Ngọc Chính và nhóm PV