Thông báo của một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc ngày 23/11 nghe rất chủ quan: Bất cứ máy bay nào bay qua vùng nhận diện phòng không mới được xác lập (ADIZ) ở trên Hoa Đông đều phải báo trước cho các nhà chức trách Trung Quốc và tuân thủ các hướng dẫn từ kiểm soát viên không lưu nước này.

TIN BÀI KHÁC:

Mỹ phản ứng ngay tức khắc. Ngày 26/11, Tổng thống Barack Obama điều 2 máy bay ném bom B-52 bay qua vùng này mà không báo cho Trung Quốc.

Hành động thách thức trực diện này đánh dấu một sự leo thang chiến lược gây lo ngại nhất giữa hai nước kể từ năm 1996, khi Chủ tịch Trung Quốc lúc đó, ông Giang Trạch Dân, tuyên bố một số vùng cách ly cho các cuộc thử nghiệm tên lửa ở Eo biển Đài Loan, khiến Mỹ cũng điều hai hàng không mẫu hạm tới đó.

{keywords}
ADIZ mà Trung Quốc mới tuyên bố trên bển Hoa Đông chồng lấn ADIZ của Nhật Bản.

Nhiều nước thiết lập các vùng phòng không và yêu cầu các máy bay phải tự báo nhận dạng khi bay qua đó, trừ trường hợp không tiến vào không phận chủ quyền của họ.

ADIZ của Trung Quốc chồng lấn với vùng phòng không của Nhật. Nó cũng bao gồm nhóm đảo mà Nhật Bản đang quản lý có tên gọi Senkaku (người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), và bãi đá ngầm Ieodo của Hàn Quốc. Động thái này rõ ràng được xác lập nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Ngày 28/11, cả Nhật và Hàn Quốc đều cử máy bay vào vùng không gian này.

Sức mạnh kinh tế tăng cao thường đi đôi với sự quyết đoán ngày càng lớn trong khu vực. Đó là điều bình thường, chừng nào hành xử của sức mạnh đang vươn lên này vẫn nằm trong phạm vi các quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên trong trường hợp này, Trung Quốc lại không như vậy; và Mỹ, nước vẫn đảm bảo tự do đi lại trên các vùng biển và vùng trời Đông Á 60 năm qua, đã đúng khi phản ứng rõ ràng như vậy.

Hành động của Trung Quốc gây lo ngại đến mức nào phụ thuộc một phần vào cách nghĩ đằng sau đó. Có thể là, giống như một thiếu niên bỗng lớn bổng không biết rõ sức mạnh của mình, Trung Quốc đã đánh giá thấp tác động của những gì họ làm. Tuyên bố rằng các máy bay ném bom Mỹ chỉ đi men theo rìa của ADIZ là rất ngây ngô. Tuy nhiên,  những người mới lớn thì thường không nhận ra rằng hậu quả hành động của họ thường gây rắc rối: Trung Quốc đã tạo ra một biến cố khai mào xung đột với các láng giềng của mình và Mỹ cho nhiều thế hệ tiếp theo.

Do vậy, sẽ đáng lo ngại hơn nếu như hành động khiêu khích đó đã được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra. "Giấc mơ Trung Quốc" của ông Tập Cận Bình, tân Chủ tịch Trung Quốc, là một sự pha trộn giữa cải cách kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Tuyên bố ADIZ được đưa ra ngay sau một phiên họp toàn thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại đó ông Tập Cận Bình thông báo một loạt các cải cách kinh tế quyết liệt. Vùng phòng không mới sẽ làm hài lòng những người dân tộc chủ nghĩa vốn đang nắm trong tay quyền lực to lớn, đặc biệt là trong các lực lượng vũ trang. Nó cũng giúp bảo vệ ông Tập Cận Bình trước bất kỳ công kích bóng gió nào rằng ông là một người tự do Âu hóa.

Nếu đây là nước cờ của ông Tập Cận Bình thì nó là một nước cờ nguy hiểm. Trước kia, Đông Á chưa từng có một Trung Quốc mạnh mẽ và một Nhật Bản mạnh mẽ đồng thời. Trung Quốc chi phối khu vực cho đến những năm 1850, khi sự xuất hiện của phương Tây đã khích lệ người Nhật hiện đại hóa trong khi Trung Quốc cố kháng cự lại ảnh hưởng của những người ngoại quốc. Giờ đây, Trung Quốc đang nóng lòng muốn tái lập vị trí trên toàn khu vực. Nỗi cay đắng trong ký ức về sự chiếm đóng của người Nhật thời Thế chiến II càng khiến khát vọng này cháy bỏng hơn. Khả năng một cuộc va chạm giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc đã định ẩn sau sự tương đồng giữa một Đông Á đương thời với châu Âu hồi đầu thế kỷ 20, mà chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư đóng vai trò của Sarajevo.

Tham vọng của Trung Quốc

Căng thẳng chưa đến mức độ đó. Hiến pháp Nhật Bản cấm nước này có bất kỳ sự hiếu chiến quân sự nào còn Trung Quốc thường cố hết sức nhấn mạnh rằng sự vươn dậy của nước này, không giống như của Nhật Bản hồi những năm 1920-1930, sẽ là sự trỗi dậy hòa bình. Nhưng các nước láng giềng rất lo lắng, đặc biệt là khi việc thiết lập ADIZ dường như tương xứng với các tham vọng của nước này ở Biển Đông.

{keywords}
ADIZ mới của Trung Quốc bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang quản lý.


Các bản đồ của Trung Quốc chỉ ra những gì được biết đến là "đường chín đoạn" bao trùm toàn bộ Biển Đông. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, có lẽ tin vào triển vọng trỗi dậy của mình và sự suy giảm của Mỹ, Trung Quốc bắt đầu thái quá trong hành xử với các nước láng giềng. Họ điều tàu tới các bãi đá ngầm tranh chấp, ép buộc các hãng dầu lửa nước ngoài dừng thăm dò và quấy rối các tàu hải quân của Mỹ và Việt Nam ở Biển Đông.

Các hành động kể trên đã dẫn đến những chỉ trích ngay lập tức từ Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton, và Trung Quốc dường như đã lùi bước và trở lại với chính sách tấn công quyến rũ trong khu vực.

Một số nhà quan sát cho rằng, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ dùng ADIZ để thiết lập một đường 9 đoạn bao trùm biển Hoa Đông. Họ lo ngại động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là tuyên bố một ADIZ trên Biển Đông, để xác nhận quyền kiểm soát cả trên biển và trên không khắp khu vực.

Liệu Trung Quốc có hay không những tham vọng cụ thể như vậy thì ADIZ vẫn cho thấy rõ ràng rằng nước này không chấp nhận nguyên trạng trong khu vực và muốn thay đổi nó. Bất cứ một nhà lãnh đạo nào của nước này giờ đây đều có lý do để theo dõi các máy bay Nhật Bản. Các tàu của Trung Quốc vốn cũng đã phớt lờ yêu cầu từ phía Nhật là không tiến vào các vùng lãnh hải xung quanh nhóm đảo tranh chấp.

Điều gì có thể được làm tiếp theo? Tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Trung Quốc. Thời điểm này có thể không tiện, nhưng tình cờ. Ông Biden và ông Tập biết rõ nhau: trước khi ông Tập trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông đã tới thăm Mỹ 5 ngày theo lời mời của ông Biden. Ông Biden cũng sẽ tới các nước Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Trục" hướng tới châu Á của Mỹ cũng không được coi trọng lắm ở đó: Ông Obama được xem là bị sao lãng bởi nhiều vấn đề trong nước. Biden có thể tỏ rõ sự tận tâm của Mỹ trong việc đảm bảo tự do đi lại trong khu vực. Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước vốn cũng đang có nhiều tranh cãi, cần được yêu cầu gạt bỏ những bất đồng của họ.

Còn với Trung Quốc, nước này cần hành xử như một cường quốc thế giới có trách nhiệm, cứ không phải kẻ gây phiền toái sẵn sàng hy sinh 60 năm hòa bình ở Đông Bắc Á để ghi một vài điểm bằng cách đoạt lấy vài đảo đá nhô trên mặt biển. Nước này nên chấp nhận đề nghị của Nhật về một đường dây nóng quân sự, giống như một đường dây nóng đã được thiết lập giữa Bắc Kinh và Washington.

Khu vực phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng một kiểu cấu trúc nào đó mà các cường quốc trong vùng có thể thảo luận an ninh. Nếu một khuôn khổ như vậy tồn tại ở châu Âu năm 1914, mọi thứ đã có thể khác đi rất nhiều.

Thanh Hảo (Theo Economist)