Xét về tiền lệ, đã tồn tại nhiều vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong lịch sử thế giới. Có một số định nghĩa đáng chú ý. Chẳng hạn, Mỹ xem ADIZ là vùng không gian nằm phía trên vùng đất hoặc vùng nước, mà những vùng đất và vùng nước này không cần phải thuộc về lãnh thổ đất liền hoặc lãnh hải của một quốc gia, trong đó quốc gia chủ nhà có quyền kiểm soát về nhận dạng và lộ trình của tất cả các máy bay của các quốc gia khác đi qua vùng này nhằm mục đích an ninh của quốc gia ấy.
Tuy nhiên, đối với Mỹ, quyền này chỉ áp dụng đối với các máy bay thương mại có ý định đi vào không phận của Mỹ, còn các máy bay quân sự không có ý định đi vào không phận của Mỹ nằm ngoài phạm vi áp dụng của quyền này. Ngoài Mỹ, trên thế giới cũng có nhiều quốc gia thiết lập các vùng nhận diện phòng không của mình như Canada, Anh, Na Uy, và Nhật Bản.
Trung Quốc muốn máy bay của Nhật Bản và các nước phải xin phép khi bay vào ADIZ của nước này. Ảnh: Reuters/Kyodo |
Vậy ADIZ của Trung Quốc có thể hiểu theo nghĩa nào và áp dụng dựa trên Luật quốc tế ra sao?
Luật quốc tế về hàng không dân dụng quy định, các quốc gia chỉ có chủ quyền đối với các vùng không gian nằm trên lãnh thổ đất liền và lãnh hải của mình (theo Điều 1, Công ước về Hàng không dân dụng Quốc tế 1944; Điều 2.2, Công ước Luật biển 1982).
Do đó, việc thành lập ADIZ không có một cơ sở pháp lý nào vững chắc ngoài việc dựa trên nguyên tắc phòng ngừa được lập ra với mục đích đảm bảo trật tự và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết đối với những xâm hại có thể xảy ra cho an ninh của quốc gia ấy. Và theo như các tiền lệ thành lập ADIZ, các quy định của vùng này chỉ được áp dụng đối với các máy bay có ý định bay vào không phận của các quốc gia.
Còn quy định của Trung Quốc về ADIZ, theo Xinhua.net, là: "máy bay bay trong vùng nhận dạng hàng không trên biển Hoa Đông phải tuân theo các quy định [được đưa ra trong tuyên bố này]". Quan điểm này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và tiền lệ trong luật quốc tế. Vì theo quy định này của Trung Quốc, tất cả các máy bay bay vào không phận hoặc bay từ không phận Trung Quốc, hay các máy bay bay ngang vùng ADIZ nhưng không vào không phận của Trung Quốc đều chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.
Trong nguyên tắc phòng ngừa có tồn tại quan niệm rằng "sự cần thiết không có luật hay quy tắc" (necessitat non habet legem) và "trong chiến tranh, không có luật" (Inter arma enim silent leges). Quan niệm này chia sẻ lập trường được đưa ra trong học thuyết Bush và cũng được xem là một trong những cơ sở pháp lý cho cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 của Mỹ.
Tuy nhiên, quan niệm này chưa bao giờ được xem là có cơ sở pháp lý vững chắc và vấp phải rất nhiều sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia khác trên thế giới.
Trung Quốc hiện nay chỉ viện dẫn luật quốc nội của mình bao gồm: luật quốc phòng, luật hàng không dân dụng và luật về các nguyên tắc cho hàng không dân dụng. Đây là là luật của Trung Quốc và không căn cứ vào luật quốc tế.
Thực tế, đây là chỉ là lời tuyên bố đơn phương của Trung Quốc. Lời tuyên bố đơn phương có khả năng thành luật nếu nó cũng được các quốc gia khác áp dụng làm theo và trở thành tiền lệ.
Như vậy, có thể thấy, thứ nhất, xem xét tình trạng hiện giờ tại khu vực biển Hoa Đông, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở để chứng minh khu vực này đang trong tình trạng chiến tranh. Thứ hai, những quy định của Trung Quốc đặt ra cho vùng ADIZ của mình đều không dựa trên bất cứ nguyên tắc pháp lý vững chắc nào của pháp luật quốc tế.
Trang Phạm
(Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM)
Trung Quốc: Cường quốc trách nhiệm hay cực đoan? Trong khi quá trình xây dựng uy tín đang được nhìn nhận tạo ra các hiệu quả đáng khích lệ thì Trung Quốc lại thể hiện một bộ mặt khác - một Trung Quốc hoàn toàn cứng rắn và cực đoan hơn rất nhiều. Trong khi việc đối thoại của Trung Quốc với các nước ASEAN được đánh giá là một bước đi linh hoạt khi các biện pháp gây hấn thiếu hiệu quả, thì sự cứng rắn của Trung Quốc lại thể hiện tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa dân tộc - mong muốn đẩy mạnh hơn nữa các hành động phô trương sức mạnh để khẳng định uy quyền của cường quốc. Hành động áp đặt "vùng nhận dạng phòng không" của Trung Quốc tại Hoa Đông đã chính thức bắt đầu phép thử uy lực của nước này tại khu vực. Khi nó không chỉ bao gồm các khu vực biển chồng lấn, các đảo đang tranh chấp mà còn bao gồm cả một phần khu vực phòng không của Nhật tại Đông Á. Không chỉ dừng ở việc tự tuyên bố quyền kiểm soát, Trung Quốc còn yêu cầu khai báo và đe dọa tấn công các máy bay xâm nhập chưa xin phép. Mặc dù sự khả thi của ADIZ là chưa rõ ràng, nhưng trước mắt, nó đã đẩy Trung Quốc vào thế tiếp tục đối đầu với Nhật và Mỹ - khi nước này cũng đã nhanh chóng bày tỏ sự quan ngại. Việc Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với Nhật - Mỹ, nếu thành công, sẽ tạo thành uy tín của sự đe dọa, lan truyền ảnh hưởng sợ hãi tới các nước tại Đông Á, đặc biệt là biển Đông. Từ đó đảm bảo các lợi ích của Trung Quốc tại khu vực Đông Á. Nhưng rủi ro đặt ra là nếu xu hướng sử dụng sức mạnh không mang lại hiệu quả như mong muốn và sự bất phục vẫn hiện hữu, thì Trung Quốc sẽ phải tiếp tục tăng cường việc sử dụng vũ lực để trừng phạt, tránh việc tự suy giảm uy tín quốc gia. Nhưng liệu "siêu cường mới nổi" có sẵn sàng cho các hành động leo thang nguy hiểm hơn trong điều kiện nội tại và bối cảnh quốc tế bất lợi?
Vũ Thành Công (Irys) |