- Nếu như cô giáo trẻ của Thủ  đô ngày ngày nỗ lực trong mỗi tiết dạy để truyền tình yêu khoa học cho các em học sinh, thì mơ ước của thầy giáo Gia Lai chỉ đơn giản là các em đừng bỏ học.

Thầy giáo Ninh Văn Dậu là giáo viên dạy Văn của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Krông Pa, Gia Lai – một ngôi trường có tới 98% học sinh là người dân tộc thiểu số.

{keywords}

Bức ảnh chụp thầy Ninh Văn Dậu (áo đỏ) đang thuyết phục cậu học trò Ksor trở lại trường.

Hồi đầu tháng 3 năm nay, câu chuyện của thầy Dậu từng được báo chí khai thác và được cộng đồng những người làm giáo dục quan tâm. Trên Facebook cá nhân của mình, thầy Dậu từng có những dòng chia sẻ đầy xúc động về con đường tới trường của cậu học trò Ksor Gôi.

Sau nhiều lần vượt con đường rừng gần 20km để vào rẫy thuyết phục em quay trở lại lớp học, thầy Dậu đã thành công. Thành công mà chính thầy cũng không ngờ tới, bởi suốt những buổi trò chuyện với em, em không nói gì ngoài câu: “Em bỏ học thầy ạ!”

Gần 6 tháng sau cuộc trò chuyện với thầy Dậu, hiện tại cậu học trò Ksor đã tốt nghiệp phổ thông. Thầy Dậu chia sẻ: “Em cũng có đỗ một vài trường cao đẳng, nhưng em không đi học, mà ở nhà làm rẫy với gia đình. Mình cũng rất tiếc”.

Nếu như mong mỏi và mục tiêu của những thầy cô ở thành thị là giúp học sinh trúng tuyển những trường đại học lớn, gặt hái thành tích ở những cuộc thi quốc tế, đạt được những kỹ năng của một công dân toàn cầu, thì với thầy Dậu, mơ ước của thầy vô cùng giản dị: các em đừng bỏ học.

Ở bậc phổ thông, việc các em bỏ học diễn ra rất phổ biến ở khu vực này, bởi các em là lao động chính trong nhà. Một lý do khác là tình trạng tảo hôn. “Mỗi trường hợp là một hoàn cảnh khác nhau. Có em thì tảo hôn, nghỉ học, có em thì học yếu, em thì lười học. Trường hợp nào tôi đi vận động cũng rất thương các em, vì nhận thức các em không đầy đủ, điều kiện môi trường phát triển cũng không có, không có điều kiện tiếp xúc với thông tin như người Kinh. Gian nan lắm...”

Vườn rau ân tình của thầy Dậu

Công tác tại vùng đất khó đã 10 năm nay, thầy Dậu cũng là trưởng ban quản lý ký túc xá giáo viên và học sinh của trường. Hằng ngày cùng ăn ở, sinh hoạt với các em học sinh, tận mắt chứng kiến cảnh các học trò của mình mỗi bữa ăn chỉ có canh lá mì đạm bạc, thậm chí chỉ có một chén muối ớt đỏ ngòn, lòng người thầy nặng trĩu suy tư.

Nhiều đêm thầy trăn trở không thể nào chợp mắt được khi hình ảnh những bữa ăn của các em hiện lên chập chờn trong giấc ngủ. Từ đó, trong đầu thầy hình thành ý tưởng về một vườn rau sạch để góp phần cải thiện bữa ăn cho các em nội trú của trường.

{keywords}
Vườn rau của thầy Dậu và các học trò nội trú Trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Ngay từ đầu năm học 2017-2018, thầy Dậu đứng ra huy động thầy cô giáo và các em học sinh san lấp mặt bằng trên khu đất trống hơn 200m2 ở khu ký túc xá. Khi đã có mặt bằng, thầy vận động học trò có giống cây, giống rau (đu đủ, mướp đắng, bồ ngót, rau lang, bí ngô…) đem tới trồng tại khu vườn mới. Số rau khác không huy động được, thầy trích từ đồng tiền lương còm cõi hàng tháng của mình để mua về trồng.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những hạt giống được gieo trồng từ tấm lòng chân tình của người thầy với học trò nghèo vùng khó đã nảy mầm xanh tươi tốt và cho những lứa sản phẩm đầu tiên.

Em Nay Phung ở phòng A4 khu ký túc xá, không ít lần được thưởng thức sản phẩm rau “siêu sạch”, sung sướng khen: “Ăn rau sạch của thầy Dậu thật tốt quá đi!”. Em Nay Chuôn ở phòng A5 thì hồ hởi: “Thầy ơi! Thầy để dành rau cho phòng em ngày mai nữa nhé!”

Vườn rau sạch của thầy trò Đinh Tiên Hoàng không chỉ giúp bữa ăn của các em bớt phần tẻ nhạt, mà còn là niềm hứng thú của cả thầy trò sau mỗi giờ tan trường. Vườn rau cũng chính là bài học về kỹ năng sống mà thầy Dậu trao cho mỗi học trò của mình.

Nhiệt huyết của cô giáo trẻ Thủ Đô

 

{keywords}
Cô Tuyến (áo vàng) và các học trò trong câu lạc bộ STEM của Trường THCS Thành Công

25 tuổi, cô giáo Mai Thị Kim Tuyến hiện đang là giáo viên Sinh học tại Trường THCS Thành Công, Hà Nội. Tháng 7 năm ngoái, cô Tuyến là một trong 6 đại diện của Việt Nam nhận được học bổng tham gia khóa học giả định không gian vũ trụ do Tập đoàn Honeywell và Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ (USSRC) tổ chức.

Bằng sự nhiệt huyết của mình, cô Tuyến được nhận giải “Right Stuff” dành cho học viên xuất sắc nhất khóa học. Trở về từ chuyến đi, cô giáo trẻ háo hức truyền đạt lại những kiến thức mà mình thu nhận được cho các học trò và đồng nghiệp.

Trò chuyện với cô giáo Tuyến không bao giờ thấy cô than vãn về đồng lương giáo viên, về những vất vả của nghề, mà chỉ thấy bầu nhiệt huyết, ngọn lửa khao khát cống hiến của một cô giáo trẻ. Cô Tuyến kể về tình yêu trẻ, về những bài học, những thí nghiệm và dự án mà mình và các đồng nghiệp đang thực hiện.

Khi được hỏi mức lương có đủ sống ở Thủ đô, cô Tuyến chỉ cười nói: “Với mức lương hiện tại của em là 3 triệu/ tháng cho cuộc sống của một mình em, em thấy ‘vừa xinh’”.

{keywords}
Những sản phẩm thiết thực với đời sống của cô trò Trường THCS Thành Công
{keywords}
Câu lạc bộ STEM của trường đã hoạt động được tròn một năm

Cô Tuyến hào hứng khoe về câu lạc bộ STEM – tâm huyết của những giáo viên dạy khoa học của Trường THCS Thành Công. “Các cô, các chị trong trường động viên em rất nhiều để thành lập Câu lạc bộ STEM. Đội giáo viên STEM trong trường đã lên chương trình giảng dạy với mỗi tháng một chủ đề và câu lạc bộ đã hoạt động được tròn một năm”.

Cô Tuyến cũng báo thêm tin vui, trong năm học này trường đã nhận được sự ủng hộ từ phía hội cựu học sinh một số máy móc để chuyên phục vụ cho giảng dạy STEM công nghệ cao hấp dẫn và hiện đại hơn, bao gồm robot, máy cắt laser, máy in 3D, máy tưới tự động phục vụ cho học sinh nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao.

“Em muốn tinh thần STEM không chỉ truyền tới giáo viên, học sinh mà còn được lan toả tới nhiều người, các thế hệ học trò của Thành Công” – cô Tuyến chia sẻ.

  • Nguyễn Thảo - Nay Mel - Thùy Vân