Các trang thương mại điện tử thường treo giá gốc rất cao, sau đó đưa ra giá bán hiện tại và cho rằng mức giá đã giảm rất nhiều, có khi trên 50% nhằm gây ấn tượng với người dùng. Tuy nhiên thực tế biến động giá không tới mức 50% như thực tế.

Mới đây, một công cụ do người Việt phát triển vừa được tung ra nhằm dò lịch sử giá của 3 trang thương mại điện tử lớn hiện nay là Lazada, Tiki, Adayroi. Trang Price Tracker (pricetracker.vn) cho phép người dùng dán đường link sản phẩm từ 3 trang này để dò lịch sử giá, nhằm giúp người dùng tìm giá tốt nhất, tránh bị mua hớ.

Giả sử bạn quan tâm chiếc Samsung Galaxy J5 Prime 16GB RAM 2GB trên Lazada, bạn có thể nhập đường link sản phẩm vào pricetracker.vn để xem lịch sử giá bán của máy. Nhìn lịch sử giá có thể thấy khoảng 1 tháng trước máy có giá cao nhất là 4.990.000 đồng, sau đó có thời điểm giảm xuống 4.690.000 đồng, sau đó tăng giá như cũ, và về lại giá 4.690.000 đồng như hiện tại. 

Căn cứ biến động giá này, bạn có thể tìm thấy mức giá thấp nhất của sản phẩm từng được bán, và quyết định xem có nên mua máy thời điểm này hay sẽ chờ giảm giá nữa.

Thử tra vài sản phẩm được cho là giảm giá trên 50%, có thể thấy trong vòng một tháng trở lại các máy này không hề có mức giảm giá ấn tượng như vậy, hầu hết chênh lệch vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng mà thôi. Do đó, người mua có thể nhìn một cách khách quan về giá cả, tránh bị mua hớ.

Cùng với việc dọ giá, người dùng có thể nhập vào mức giá bán mong muốn, để khi sản phẩm này giảm tới mức giá kỳ vọng, một email thông báo sẽ gửi đến người dùng để tranh thủ mua.

Ngoài ra, người dùng có thể cài đặt add-on Price Tracker cho trình duyệt Chrome và Cốc Cốc để khi cần kiểm tra giá chỉ cần click vào add-on này.

Khi dùng thử, có thể thấy hạn chế của sản phẩm này là chỉ dán link sản phẩm mà không được kiểm tra theo tên sản phẩm. Vì trên Lazada có nhiều nhà cung cấp khác nhau cùng bán một sản phẩm nên lịch sử giá, ưu đã sẽ khác nhau, việc theo dõi giá theo đường link chỉ kiểm tra giá do một nhà cung cấp bán mà không thể theo dõi sản phẩm này của các nhà cung cấp khác.

Ngoài ra, việc cập nhật giá sẽ đúng hơn trên Tiki hay Adayroi, còn trên trang Lazada có nhiều biến động giá do các nhà cung cấp khác nhau thường điều chỉnh giá từng ngày nên sẽ xảy ra trường hợp Price Tracker cập nhật giá không kịp.

Nhà phát triển ứng dụng cho biết đối với các sản phẩm thông thường, Price Tracker dò giá 1-2 lần mỗi ngày. Do đó khi có biến động giá nhanh trong ngày có thể hệ thống của họ không dò giá kịp. Đối với sản phẩm có người quan tâm dò giá trên Price Tracker, hệ thống sẽ cập nhật nhanh hơn, khoảng 3 lần/ngày.

Chủ sở hữu Price Tracker cho biết sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ tiến tới việc dò giá theo thời gian thực để phục vụ người dùng tốt hơn.