WeChat kiểm duyệt người dùng ngoài biên giới Trung Quốc

Theo nghiên cứu của Citizen Lab thuộc Đại học Toronto, các tài khoản WeChat được đăng ký bằng số điện thoại Trung Quốc vẫn bị chặn một số từ khóa nhất định tại bất kỳ đâu trên thế giới, miễn là họ vẫn giữ tên người dùng cũ. Tuy nhiên, các tài khoản tạo ở nước ngoài, chẳng hạn qua nhà mạng Hồng Kông hay Mỹ, không bị ảnh hưởng.

Jason Q. Ng, chuyên gia nghiên cứu của Citizen Lab, cho rằng ý tưởng bạn không thể thoát khỏi hệ thống kiểm duyệt bị áp vào thời điểm đăng ký rất khó chịu. Dường như, đây là biện pháp để Tencent – công ty chủ quản WeChat – có thể mở rộng dịch vụ ra toàn cầu trong khi vẫn chấp hành quy định về thông tin của chính phủ. Với 846 triệu người dùng đang hoạt động, WeChat tìm diệt các bài đăng có nội dung nhạy cảm và chặn tin nhắn chứa các từ khóa cấm.

Các nhà nghiên cứu thử nghiệm 26.821 từ khóa đã bị chặn trên các website khác, bao gồm cả Weibo và YY. Họ tìm ra 174 từ chịu kiểm duyệt. Nếu chúng được máy chủ WeChat tại Trung Quốc phát hiện, tin nhắn không thể được gửi đi.

Trong chat nhóm, nhiều từ bị kiểm soát hơn là tin nhắn cá nhân, có lẽ bởi vì năng lực tiếp cận nhiều người dùng hơn. Nghiên cứu chỉ ra một vài từ bị cho vào “sổ đen” có thể được thả thời gian sau đó và luôn có từ mới được bổ sung.

Lotus Ruan, chuyên gia Citizen Lab, cho biết Tencent ngừng thông báo cho người dùng về việc tin nhắn bị can thiệp, khiến cho hoạt động của họ trở nên kém minh bạch. Tin nhắn gửi từ người dùng nước ngoài về tài khoản Trung Quốc không hiển thị trên ứng dụng của người nhận.

Tencent chỉ là một trong số ngày càng nhiều công ty áp dụng kiểm duyệt để hoạt động tại những nước như Trung Quốc. Tập đoàn Line của Nhật Bản cũng lọc một số từ khóa đối với người dùng Trung Quốc, theo báo cáo của Citizen Lab năm 2014. Facebook được cho là đang phát triển hệ thống tìm diệt nội dung không phù hợp với quy định của Trung Quốc nhằm tìm đường gia nhập thị trường này.