Bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của WHO, cho biết: “Vắc xin có thể có một số tác dụng bảo vệ”.
“Chúng tôi cần tìm hiểu liệu vắc xin có suy giảm khả năng bảo vệ hay không. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng vắc xin vẫn sẽ bảo vệ chống lại bệnh nghiêm trọng ở người nhiễm Omicron như với các biến thể khác”, bà Swaminathan nói thêm.
Bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của WHO. Ảnh: Firstpost
Bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, nói với các phóng viên, WHO hy vọng sẽ có thêm thông tin về khả năng lây truyền của biến thể mới Omicron trong vài ngày tới.
Trước đó, WHO dự đoán sẽ mất vài tuần để đánh giá tình hình dựa trên dữ liệu có sẵn về Omicron. Tổ chức này đã đưa Omicron vào nhóm “gây lo ngại”, xếp hạng cao nhất về mức độ nguy hiểm của các biến thể.
Bà Van Kerkhove cho biết, một kịch bản có thể xảy ra là biến thể Omicron - lần đầu tiên được ghi nhận ở miền nam châu Phi - có thể dễ lây truyền hơn biến thể Delta đang chiếm ưu thế. Giới chuyên môn chưa biết liệu Omicron có khiến người bệnh trở nặng hơn hay không.
Trong khi đó, nhóm cố vấn vắc xin của WHO sẽ họp vào tuần tới để xem xét dữ liệu về các liều vắc xin Covid-19 tăng cường. Bà Swaminathan không đưa ra ngày cụ thể nhưng cho biết cơ quan này sẽ đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng liều tăng cường.
Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, nhắc lại sự phản đối của WHO với lệnh cấm toàn diện đối với các chuyến bay đến và đi từ miền nam châu Phi. Hiện lệnh cấm đã được nhiều quốc gia áp dụng. Nhưng WHO cho rằng giải pháp này sẽ không ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.
Hiện nay, khoảng 20 nước trên thế giới đã phát hiện các ca nhiễm Omicron như Nam Phi, Bỉ, Hà Lan, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Israel…
An Yên (Theo Nypost)
Biến thể Omicron: Nhiều đột biến hơn chưa chắc nguy hiểm hơn
Biến thể Omicron với nhiều đột biến, dường như lây lan nhanh chóng ở Nam Phi, đang khiến các nhà khoa học và quan chức chính phủ lo lắng.