Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, vào ngày 29/7, phiên bản Windows mới nhất sẽ chính thức phát hành trên phạm vi toàn cầu. Theo nhìn nhận của giới phân tích, nền tảng này đang ở trạng thái "ổn định, sẵn sàng" và đã vượt qua những bài sát hạch cần thiết để có thể đến với số đông người dùng.

{keywords}

Một biên tập viên của CNET cho biết, ở bản preview Windows 10 đầu tiên, âm thanh không hoạt động. Người dùng không thể kích hoạt microphone, không truy cập được trợ lý ảo Cortana dù đã thử nhiều miếng vá và giải pháp. Nhưng với bản build mới phát hành hồi đầu tháng 7 vừa qua, những trục trặc này đã biến mất.

Tất nhiên, Windows 10 preview - bản dành riêng cho những ai tình nguyện tải và cài đặt - vẫn còn rất sơ khai. Chuyện có lỗi là hoàn toàn nằm trong dự kiến, và thực ra cần phải có lỗi để Microsoft kịp thời khắc phuc, hoàn thiện sản phẩm của mình trước khi thương mại hóa. Nhưng theo thời gian, nó đã chạy ổn định hơn rất nhiều so với hồi tháng 1, khi Microsoft chính thức công bố nền tảng này.

Hơn bao giờ hết, Microsoft đang rất cần Windows 10 thành công. Hãng hiểu rõ mình đã bỏ lỡ thời cơ với Windows 8, hệ điều hành bị nhiều người dùng quay lưng vì đã gỡ bỏ menu Start quen thuộc và coi giao diện desktop truyền thống như hàng thứ phẩm. Doanh số PC hiển nhiên không thể bật dậy nhờ Windows 8 như ngành PC kỳ vọng.

Trên mặt trận di động, Microsoft cũng không thành công hơn, khi tính đến thời điểm này, Windows Phone vẫn chỉ giậm chân tại chỗ với 3% thị phần. Việc thúc đẩy Windows 10 với tư cách một hệ điều hành thống nhất cho cả PC lẫn thiết bị di động chính là canh bạc cuối cùng, niềm hy vọng cuối cùng của gã khổng lồ Redmond trong việc chinh phục người dùng smartphone.

Cho đến thời điểm này, có thể thấy Microsoft đã rất tích cực lắng nghe, phân tích các phản hồi của cộng đồng tester. Windows 10 ngày càng hoàn thiện về hình hài, các lỗi cũ được khắc phục tương đối triệt để, các tin nhắn báo lỗi không còn xuất hiện nhiều như trước. Tuy nhiên, cái khó ở Windows 10 là Microsoft không chỉ phải đảm bảo cho hệ điều hành này chạy tốt, mà còn phải tương thích đầy đủ sau khi người dùng Windows 7 và Windows 8.1 nâng cấp lên (miễn phí). Hãng không tiết lộ con số cụ thể, song ông Terry Myerson, Phó Chủ tịch phụ trách Hệ điều hành của Microsoft từng viết trên blog cá nhân rằng đã có hàng triệu người đăng ký giữ chỗ để được cập nhật Windows 10 sau ngày 29/7 tới.

"Với các bản preview Windows 10 gần đây, Microsoft tập trung vào việc vá lỗi và hoàn thiện hơn là bổ sung tính năng mới", CNET nhận định.

Để chuẩn bị cho giờ G, Microsoft đã ngừng phát hành thêm bất cứ bản thử nghiệm nào. Hãng muốn cộng đồng Windows Insiders tập trung vào chạy thử quy trình nâng cấp của Windows 10.

Bước tiếp theo của Windows 10 sẽ là Microsoft phát hành nền tảng này tới các hãng PC và tablet để họ có thể chạy thử và cài đặt nó lên các sản phẩm sắp ra mắt của mình. Công đoạn này dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này.

Và như thông báo trước đây của Microsoft, dù ngày phát hành chính thức là 29/7 nhưng Windows 10 sẽ được tung ra theo nhiều giao đoạn. Các thành viên của chương trình Windows Insiders sẽ nhận được đầu tiên (đúng ngày 29/7), một số hãng PC cũng sẽ mở bán sản phẩm mới cài sẵn Windows 10 trong ngày này. Tiếp đến sẽ là những người dùng Windows 7 và 8.1 đã "giữ chỗ" nâng cấp Windows 10.

Kể cả sau khi Windows 10 đã xuất xưởng, chương trình Windows Insiders vẫn sẽ tiếp tục, Microsoft khẳng định, để chạy thử các bản build và cập nhật mới mà Microsoft tung ra.

T.C