Theo bản chiến lược hay còn được gọi là "Tầm nhìn chung" này, Microsoft có đề cập đến 3 mối ưu tiên hàng đầu cho việc nghiên cứu và phát triển trong năm tiếp theo. Và điều làm cho mọi người ngạc nhiên là danh sách này dường như đã thiếu mất “thứ” gì đó !?

Danh sách ưu tiên hàng Microsoft công bố bao gồm:

1. Tiếp tục cải tiến hiệu suất và công việc kinh doanh

2. Xây dựng nền tảng điện toán đám mây thông minh

3. Tăng khả năng “cá nhân hóa” cho máy tính

Nhìn vào danh sách này có thể thấy Microsoft không đặt thêm ưu tiên nào quá mới mẻ mà dồn sức cho các mảng sản phẩm thế mạnh, có nhiều tiềm năng. Cụ thể hơn, ưu tiên số 1 của ông lớn hệ điều hành là tập trung cải tiến bộ sản phẩm Office 365 – công cụ hỗ trợ xử lý văn bản được ưa chuộng nhất. Ưu tiên kế tiếp là dành cho công nghệ điện toán đám mây Microsoft Azure. Lý do để Microsoft coi đây là hai mối quan tâm hàng đầu là bởi cả Office 365 và Azure đều đang ghi nhận sự gia tăng về số lượng người sử dụng và hứa hẹn sẽ mang lại thành công lớn cho hãng.

Ưu tiên số 3 nghe có vẻ xa lạ với một chuyên gia về PC như Microsoft nhưng đó lại là những điều mà hãng thường xuyên nhắc tới trong thời gian gần đây. Hãy nhìn vào Windows 10 để thấy rõ hơn quyết tâm của Microsoft. Windows 10 ra đời và được hãng định hướng trở thành hệ điều hành của “kỷ nguyên” hậu máy tính để bàn.
Nhận thức về sự suy giảm của thị trường máy tính để bàn trong khi thị trường di động vẫn có tiềm năng tăng trưởng, Microsoft muốn định hướng phát triển để các sản phẩm và dịch vụ của hãng có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi.

Và Windows 10 chính là một trong số các sản phẩm ra đời theo định hướng này.

Hệ điều hành mới hiện được sử dụng trên máy tính bàn và laptop, nhưng Microsoft cũng muốn đảm bảo rằng Windows 10 có thể hoạt động tốt trên máy tính bảng (tương tự như thành công từ các dòng laptop lai), các thiết bị kết nối không dây tại nhà như TV và bất cứ thiết bị nào khác.

Trên một khía cạnh khác, “nhiệm vụ” số 3 có mối liên hệ chặt chẽ với hai ưu tiên hàng đầu của Microsoft. Với việc cung cấp các ứng dụng tăng hiệu suất làm việc và trợ lý “ảo” Cortana cho cả hệ điều hành iOS và Android dựa trên nền tảng Windows, Microsoft có “tham vọng” đưa các ứng dụng của hãng “theo chân” người dùng mọi lúc mọi nơi. Microsoft ngợi ca rằng đây là lợi ích tuyệt vời dành cho khách hàng bởi từ đây, mọi ứng dụng, dữ liệu và sở thích sẽ theo bạn trên mọi thiết bị, và dĩ nhiên, điều đó làm cho chiếc máy tính trở nên “cá nhân hóa” hơn.

Công nghệ điện toán đám mây Microsoft Azure được thiết kế  dành cho những khách hàng “tân tiến” ưa công nghệ và muốn mọi thứ từ chiếc thẻ tín dụng được đưa vào một ứng dụng mạnh mẽ dù chạy trên bất kể nền tảng nào.

Và rõ ràng là hệ điều hành Windows chỉ là một phần trong toàn bộ chiến lược của Microsoft. Windows 10 ra đời nhằm mục đích tương tác và thúc đẩy các dịch vụ khác để đưa các dịch vụ này trở thành “nhân vật chính”.

Đây là hướng đi hoàn toàn trái ngược với những điều mà Microsoft từng theo đuổi trước đây: “Một chiếc máy tính để bàn trong mọi gia đình”.