Tính đến thời điểm hiện tại, hệ điều hành Windows XP của Microsoft đã tồn tại được 13 năm. Những thành công nó mang lại cho Microsoft là không ít, nhưng kèm theo đó cũng là rất nhiều hệ lụy. Nhờ tính ổn định cao, người dùng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp, một khi đã gắn bó với XP thường không có nhu cầu nâng cấp lên phiên bản Windows mới. Microsoft do đó không bán được bản quyền của Windows 7 hay sau này là cả Windows 8.

Ngày 8/4/2014, Microsoft chính thức "khai tử" XP, ngừng mọi hỗ trợ đối với hệ điều hành này. Tuy nhiên, có vẻ như quyết định đó không làm ảnh hưởng tới những khách hàng doanh nghiệp. Và những hệ lụy mà XP để lại, đang ảnh hưởng tới không chỉ Microsoft, mà còn tới cả các đối tác của họ, trong đó có nhà sản xuất chip máy tính Intel.

>> Intel: "Ông vua" chip máy tính chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường di động

Trong một công bố mới đây, Intel cho biết họ đã cắt giảm tới 1 tỷ USD doanh thu so với con số mà họ kỳ vọng trước đó, khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn không chịu từ bỏ Windows XP để nâng cấp lên các phiên bản Windows mới hơn. Cụ thể, Intel dự đoán doanh thu quý đầu tiên của 2015 sẽ đạt khoảng 12,8 tỷ USD, giảm so với mức kỳ vọng 13,7 tỷ USD mà hãng đưa ra hồi giữa tháng 1/2015. Nếu điều đó xảy ra, Intel lại càng tiếp tục làm thất vọng các nhà đầu tư phố Wall, bởi doanh thu dự tính mà Intel đưa ra hồi giữa tháng 1/2015 cũng đã là thấp hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư. 

"Đây là điều thường xuyên xảy ra, và chúng tôi minh bạch về các thay đổi đối với các kỳ vọng tài chính của mình. Có một thứ không thay đổi ở Intel đó là chiến lược cũng như sự quyết tâm để thực hiện chiến lược đó" - đại diện Intel Cara Walker cho biết hôm thứ 5 vừa qua. Giá cổ phiếu của Intel giảm 4% sau khi hãng cắt giảm dự báo doanh thu. AMD - công ty sản xuất chip máy tính đối thủ của Intel, và cả Microsoft, cũng rơi vào tình cảnh tương tự: giá cổ phiếu của AMD và Microsoft giảm lần lượt 4% và 2%. 

Theo nhận định của Intel, doanh số PC thời gian qua bị giảm bắt nguồn một phần từ việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhu cầu nâng cấp Windows XP, cũng như do các vấn đề thuộc về nền kinh tế toàn cầu, như đồng euro mất giá. Thống kê gần đây nhất vào tháng 2/2015 của StatCounter cho thấy thị phần Windows XP trên toàn cầu hiện đã giảm xuống còn 11%, tức giảm 5% so với cách đó một năm. Windows 7 vẫn tiếp tục giữ ngôi vương với gần 50% thị phần. 

Như đã nói, việc người dùng "lười" nâng cấp Windows XP không chỉ là dấu hiệu xấu cho Intel, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, mà còn đối với cả Microsoft lẫn nhiều công ty sản xuất máy tính. Microsoft hiện đã chuẩn bị ra mắt Windows 10, và nếu không "tận diệt" được XP, hãng phần mềm khó lòng phát triển các hệ điều hành mới này. Các đối tác phần cứng của Microsoft như Lenovo, Acer, HP...cũng liên tục than phiền vì doanh số bán hàng chậm, một phần vì người dùng không muốn nâng cấp hệ điều hành. Với người dùng, việc vẫn gắn bó với Windows XP cũng khiến họ gặp nguy hiểm. Do không còn được Microsoft hỗ trợ về bảo mật, Windows XP dễ trở thành đối tượng bị hacker tấn công hơn bao giờ hết. 

Quay trở lại với Intel, đối lập với tình hình kinh doanh chip ảm đạm do Windows XP gây ra, Intel tìm thấy ánh sáng ở các mảng kinh doanh khác. Hãng cho biết mảng trung tâm dữ liệu, một mảng kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận, sẽ đạt được các kết quả kinh doanh như kỳ vọng của giới chuyên gia. Intel cũng quyết định không công bố dự đoán tình hình kinh doanh ở nhiều mảng và sẽ cập nhật đầy đủ trong báo cáo tài chính vào ngày 14/4/2015. Tuy nhiên, nhìn chung nhà sản xuất chip không kỳ vọng quá nhiều vào năm nay. Intel dự đoán doanh số PC xuất xưởng trong 2015 sẽ không có sự tăng trưởng, và do đó doanh thu từ mảng này của Intel sẽ thấp hơn một chút so với kỳ vọng.

Rick Schafer, nhà phân tích của Oppenheimer cũng nhận định rằng mảng trung tâm dữ liệu của Intel sẽ không gặp nhiều thách thức, nhưng mảng PC sẽ "không có gì ấn tượng" trong năm 2015 này. Đây có thể là một tín hiệu xấu với Intel. PC là mảng mang lại doanh thu lớn nhất của Intel, và những khoản tiền kiếm được ở mảng này được công ty dùng để đầu tư vào mảng chip di động. Tuy nhiên, khi những nỗ lực tham chiến thị trường mobile của Intel vẫn chỉ đang khiến công ty thua lỗ hàng tỷ USD, thì việc mảng PC đi xuống có thể khiến mảng di động không còn nơi "bấu víu".