Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đến năm 2025. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh...
Tháng Năm vừa qua, mô hình thí điểm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được tỉnh Đồng Tháp đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là mô hình “Xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, nhằm mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch của cá nhân, tổ chức tại địa phương.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 4,6 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ (từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới) 2,082 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2023 - 2025, tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Mô hình do do UBND xã Mỹ Xương thực hiện.
Mục tiêu mô hình là ứng dụng công nghệ số vào xây dựng dữ liệu thông tin vào sản xuất nông nghiệp (dữ liệu thông tin về thổ nhưỡng, khí hậu, thiên địch, sâu hại, dịch bệnh, sản xuất, thu hoạch…) và từ đó giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của địa phương tốt hơn cũng như giúp người mua an tâm hơn khi biết được lịch sử quá trình sản xuất sản phẩm của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của xã thông qua các hình thức bán hàng trực tiếp, bán hàng gián tiếp và có ứng dụng công nghệ số trong thanh toán qua các giao dịch thương mại điện tử.
Nội dung chính của mô hình là số hóa thông tin quản lý về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ đặc sản, nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của xã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; sản phẩm đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Nông sản địa phương có thực hiện nhật kí điện tử và áp dụng tiến bộ trong công nghệ thu hoạch - bảo quản nông sản, thực hiện vận chuyển - sơ chế - đóng gói - bảo quản - tiêu thụ theo phương pháp tiên tiến, giữ được giá trị cảm quan và chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời xây dựng các mô hình bán hàng các sản phẩm của địa phương qua hình thức trực tiếp, gián tiếp. Chợ Mỹ Xương có áp dụng kinh doanh trực tuyến và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, livestream bán hàng nông sản của xã; có bến thủy nội địa, tuyến giao thông, điểm tập kết hàng hóa đảm bảo thuận lợi vận chuyển hàng hóa. Đầu tư, nâng cấp website (www.nongsancaolanh.com) có tích hợp đặt hàng trực tuyến và liên kết với các sàn thương mại điện tử; tăng cường giới thiệu và nhân rộng mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử để quảng bá và kinh doanh sản phẩm; triển khai hỗ trợ hoạt động giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử, có áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Những thành công từ mô hình “Xã thương mại điện tử” sẽ được nhân rộng nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh.