Việc chậm ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư làm giảm độ dự phòng lưới điệṇ 220KV, 110KV cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ hàng loạt dự án trạm biến áp.
Việc đầu tư các công trình lưới điện trên địa bàn TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Do đó, một số công trình điện quan trọng bị ảnh hưởng, chậm tiến độ. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020 và cả năm 2021, chỉ đưa vào vận hành được 2/5 trạm biến áp 220kV mới để cấp điện cho thành phố. Việc chậm tiến độ làm cho mức dự phòng cấp điện bị giảm so với giai đoạn trước năm 2016 (từ 40-45% xuống còn 37-42%).
Thông tin trên được Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đưa ra tại cuộc gặp gỡ báo chí chia sẻ thông tin nhân Tháng tri ân khách hàng, sáng 25/11.
Đáng chú ý, đối với vướng mắc liên quan thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng lưới điện, hiện nay, việc lập chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng lưới điện là chưa có tiền lệ đối với cả ngành điện và cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư).
Vì thế, quá trình triển khai nhiều vướng mắc, cơ quan chủ trì phải xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan (Bộ KH-ĐT, Bộ Tài nguyên & môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương). Đối với mỗi dự án, Sở KH-ĐT cũng gửi khoảng 10 đơn vị liên quan tại thành phố để lấy ý kiến, mất rất nhiều thời gian thực hiện.
Đến thời điểm hiện nay, các hồ sơ đề nghị thông qua “Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư” của các dự án lưới điện trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa được Sở KH-ĐT thẩm định hoàn tất và trình UBND thành phố ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng quy định, việc này làm giảm độ dự phòng lưới điệṇ 220KV, 110KV, cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ hàng loạt các dự án trạm biến áp.
Đại diện EVNHCMC cho biết, khi đơn vị nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì Sở KH-ĐT là cơ quan chủ trì, tổng hợp ý kiến từ 9 đơn vị liên quan. Ví dụ, gửi Sở Tài nguyên & môi trường hỏi trường hợp đầu tư có thuộc diện được giao đất hay không; gửi Sở Xây dựng, các địa phương, Sở Quy hoạch kiến trúc xem vị trí xây dựng đường dây có phù hợp quy hoạch phát triển điện lực…
“Ngành điện đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực nhưng ngành điện có thuộc đối tượng được giao đất để xây dựng công trình (như trạm biến áp) không thông qua đấu giá hay không? Đây chính là vướng mắc lớn nhất khiến cơ quan có thẩm quyền chưa mạnh dạn quyết một hồ sơ nào trong tổng số 9 hồ sơ của 2 năm qua”, đại diện EVNHCMC thông tin.
Theo thông tin VietNamNet có được, cuối tháng 9 vừa qua, Sở KH-ĐT thành phố đã có văn bản gửi 4 Bộ KH-ĐT, Tài nguyên & môi trường, Tài chính, Công Thương về việc xác định đầu tư các dự án trạm biến áp của EVNHCMC có thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời từ 4 Bộ.
Hoàn toàn đáp ứng được công suất tiêu thụ điện cực đại của TP.HCM
Trong năm 2022, EVNHCMC cho biết đã khởi công 7 công trình lưới điện 110KV và đóng điện hoàn thành 8 công trình (trong đó có 1 công trình lưới điện 220kV và 7 công trình lưới điện 110kV). Nhờ đó, lưới điện 220kV thành phố sẽ tăng thêm 500MVA, lưới điện 110kV tăng thêm 126MVA và 6,8 km đường dây 110kV.
Đồng thời, tổng công ty cũng đã khánh thành hệ thống điện mặt trời mái nhà cho 5 điểm là nhà thiếu nhi, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật và trung tâm cho thanh thiếu nhi của thành phố.
Liên quan đến đảm bảo điện năm 2023, lưới điện thành phố đang có mức độ dự phòng công suất truyền tải là 43% (chưa bao gồm các công trình đang cải tạo và xây mới). Với năng lực này, EVNHCMC hoàn toàn đáp ứng được với công suất tiêu thụ cực đại hiện nay của khu vực TP.HCM.