- Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) việc xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây (Vũ Quang, Hà Tĩnh) là để phục vụ 26 hộ dân trước mắt và theo quy hoạch là 42 hộ dân. Tất cả đều có giấy tờ và chứng nhận của từng hộ dân. Tuy nhiên, theo thông tin VietNamNet có được, nhiều hộ dân trong số này không hề biết chuyện xây cầu treo.
Phản ánh không đúng thực tế?
Liên quan tới thông tin việc xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây thuộc cụm dân cư Thôn 6, xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) chỉ để phục vụ một vài hộ dân, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) khẳng định: Không có việc xây dựng cầu treo dân sinh chỉ để phục vụ 2 hộ dân.
“Việc báo chí phản ánh xây cầu treo dân sinh chỉ để phục vụ cho 2 hộ dân và gia đình ông Chủ tịch xã Sơn Thọ là hoàn toàn không đúng thực tế”, ông Vinh nói.
Thông tin về việc xây cầu treo Khe Tây đang có sự “lệch pha” giữa chủ đầu tư, chính quyền với các hộ dân “hưởng lợi”. |
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA 3 nói: Thông tin báo chí đưa không chính xác. Cầu được xây dựng để phục vụ 26 hộ dân trước mắt và theo quy hoạch là 42 hộ dân. Tất cả đều có giấy tờ và chứng nhận của từng hộ dân.
Theo khảo sát thiết kế với đại diện chính quyền địa phương, lượng người qua lại vị trí xây dựng cầu Khe Tây là 500 lượt/ngày đêm.
Về vị trí xây dựng cầu Khe Tây, ông Trường cho biết cầu được xây dựng để phục vụ việc đi lại, sản xuất của cụm dân cư thuộc Thôn 6, xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), vùng này bị bao bọc bởi hai con suối là suối Khe Tiên và suối Khe Trươi nên hoàn toàn bị cô lập về mùa mùa lũ.
Giải thích về vị trí cầu Gãy, ông Phạm Quang Vinh cho hay, vị trí cầu nằm cách cầu treo Khe Tây khoảng 500m là công trình thuộc tuyến đường chính Khe Ná - Chi Lời, không phải là đường đi vào cụm dân cư Thôn 6 được hưởng lợi từ việc xây dựng cầu treo Khe Tây.
Việc kết nối giữa cụm dân cư thôn 6 với tuyến đường Khe Ná - Chi Lời bị chia cắt bởi suối Khe Tiên nên cô lập vào mùa mưa lũ.
“Việc xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây là hoàn toàn phù hợp với tiêu chí của đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt”, ông Vinh khẳng định.
Trong văn bản giải trình của UBND xã Sơn Thọ với Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Vũ Quang do ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã ký cũng nêu rõ, vùng dân cư khe Bùn - Eo Nâm thuộc Thôn 6 có 26 hộ dân sinh sống, nằm bên sườn núi khe Tây bị bao bọc bởi hai khe suối là Khe Tươi và khe Tiên, vào mùa mưa lũ thì bị cô lập hoàn toàn.
Dân không biết chuyện xây cầu!
Chiều 10/8, nhó PV các báo VietNamNet, Tiền Phong và Bảo Vệ Pháp Luật cùng với đoàn của Sở GTVT do ông Bùi Đức Đại, Phó GĐ dẫn đầu đi kiểm tra thực tế về chuyện xây cầu treo Khe Tây tại xóm 6, xã Sơn Thọ.
Vừa bước qua cầu Khe Tây, vị cán bộ địa chính xã Sơn Thọ dẫn đoàn đi vào con đường lầy lội rồi giới thiệu "con đường này nằm trong quy hoạch xây dựng để dẫn ra cầu treo".
Đi được khoảng 200m và vượt qua đồi khá dốc, đoàn tới nhà ông Nguyễn Văn Hoàn - một hộ dân nằm trong danh sách "hưởng lợi" từ cầu treo Khe Tây.
Tuy nhiên, ông Hoàn tỏ ra ngạc nhiên khi PV nhắc tới chuyện ký tên trong danh sách.
"Bình thường gia đình tôi đi qua cầu Gãy chứ không qua cầu treo. Còn việc ký tên thì tôi không biết", ông Hoàn chia sẻ.
Tiếp tục tìm tới nhiều hộ dân khác có tên trong danh sách mà xã Sơn Thọ lập ra gửi cho Tổng cục đường bộ như hộ ông Trần Huy Minh, Lương Xuân Tân, Nguyễn Hữu Hòa…tất cả họ đều khẳng định, từ lâu nay chỉ đi qua cầu Gãy, không đi qua cầu Khe Tây. Còn chữ ký trong danh sách họ cũng không hay biết.
"Để đi qua cầu treo Khe Tây, chúng tôi phải đi đường rừng, băng qua 2 cái khe, ai mà đi cho được. Trong khi đường bê tông dẫn ra cầu Gãy thuận tiện hơn nhiều", vợ ông Nguyễn Hữu Hòa nói.
Và ông Nguyễn Đình Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thọ không trả lời được vấn đề này mà chỉ nói "sẽ cho kiểm tra lại".
Trong quá trình thực địa, vị Phó GĐ sở GTVT Hà Tĩnh đã phải "bỏ cuộc" giữa chừng vì không thể "trèo đèo, lội suối" để đi từ cầu Khe Tây tới các hộ dân.
Cũng theo quan sát của PV VietNamNet, con đường bê tông từ cầu Gãy vào tận các hộ dân chỉ chừng 500 mét, còn con đường mà xã Sơn Thọ "quy hoạch" để đi từ cầu Khe Tây vào khoảng 1km.
Và để "thi công" con đường này phải xẻ đồi, xây cầu vượt qua 2 khe suối, số
tiền lên tới cả trăm tỷ đồng.
Thông tin cụ thể về kết quả chuyến thực tế của lãnh đạo Sở GTVT, VietNamNet sẽ
tiếp tục thông tin.
Vũ Điệp - Văn Đức