Sức khỏe đất là khả năng hoạt động như một hệ sinh thái sống trong một môi trường cụ thể theo yêu cầu để duy trì sự sống của thực vật, động vật và con người. Đất khỏe giúp điều hòa nước, hỗ trợ sự sống của động vật và thực vật, lọc các chất ô nhiễm, tuần hoàn chất dinh dưỡng, cung cấp hỗ trợ vật lý và hơn thế nữa.
Có nhiều cách để kiểm tra sức khỏe đất, tùy thuộc vào thông tin cần thiết và cách sử dụng đất. Ví dụ, để bắt đầu, phân tích dữ liệu thông tin khoa học đất đơn giản nên là bước cần làm đầu tiên. Ví dụ, cần đo hàm lượng dinh dưỡng, độ pH và hàm lượng chất hữu cơ. Để thực hiện việc này, hãy lấy mẫu đất từ các vị trí khác nhau trong khu vực và gửi đến phòng thí nghiệm đất để phân tích. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các đánh giá đất trực quan và các phương pháp tự làm để kiểm tra sức khỏe đất, bao gồm lấy mẫu giun đất, thử độ chua hoặc độ kiềm của đất và đánh giá thành phần đất bằng lọ rỗng và nước.
Để đánh giá đầy đủ sức khỏe của đất, cần biết các đặc tính vật lý, hóa học và sinh học của đất. Hiểu được những điều này sẽ cho phép đánh giá tình trạng của đất và những gì cần thiết để tối ưu hóa chức năng của đất. Lý tưởng nhất là xác thực các kết quả thu được bằng những kỹ thuật khác nhau.
Với tầm quan trọng như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của đất và dinh dưỡng cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp không chỉ là nguồn cung cấp lương thực mà còn là yếu tố quan trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Từ đó, tạo ra một lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp bền vững.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: "Đề án được phê duyệt rất kịp thời, bởi đất đai là đối tượng quản lý của rất nhiều bộ ngành. Đất đai không chỉ liên quan tới cây trồng mà còn có vai trò quan trọng của rất nhiều các lĩnh vực xã hội".
“Đất khỏe phải là đất phát thải thấp, tích trữ carbon nhiều. Đề án phải thổi hồn vào đất”, ông Bộ nhấn mạnh, và cho rằng để triển khai Đề án, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực; Nghiên cứu KIT chẩn đoán nhanh đất và phân bón…
Thứ trưởng Hoàng Trung giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật phải đánh giá được kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xem đất nào hợp cây nào. Việc này cũng sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Cục Trồng trọt, tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở. Đây chính là yếu tố then chốt đưa đề án vào cuộc sống.