Hiện nay, nhiều khu vực ở nước ta là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó khoảng 200 loài đã được khai thác thương mại. Nhiều loài có giá trị cao, là dược liệu quý được thế giới công nhận như sâm Ngọc Linh, thông đỏ, hoa hoè, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam…

Với lịch sử lâu đời về sử dụng cây dược liệu trong thực tiễn y tế và sự phát triển của khoa học công nghệ, cây dược liệu ở Việt Nam là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hoá mỹ phẩm…

Theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

W-nongsan.png
Việt Nam có nhiều loại cây dược liệu quý

Có thể nói, tiềm năng phát triển ngành dược liệu ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, để có thể tiến ra thị trường quốc tế, ngành ngành dược liệu cần phải xây dựng những quy định rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, xây dựng các mã truy xuất nguồn gốc cho từng loại sản phẩm nông sản của Việt Nam và kể cả nông sản các nước nhập khẩu vào.

Thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Bộ Y tế đã có đề xuất triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với dược liệu cũng như các sản phẩm từ dược liệu.

Việc truy xuất nguồn gốc ở đây được thực hiện tất cả các nội dung liên quan như: nguồn gen của cây cho đến nguồn giống, chủng loại nằm trong hệ động thực vật hoang dã nào, phải kiểm soát theo công ước quốc tế ra sao. Việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện cụ thể, chi tiết đến nội dung cấp mã số vùng trồng, cơ sở nuôi trồng, cho đến thương mại hóa… mà Bộ Y tế đang xây dựng và Cục Quản lý Y dược cổ truyền đang được giao nhiệm vụ thực hiện.

Việc truy xuất nguồn gốc dược liệu không chỉ xác định nguồn gốc rõ ràng, minh bạch đối với sản phẩm dược liệu, mà còn góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, chứng minh sản phẩm có chất lượng tốt, thúc đẩy hoạt động mua hàng.

Hệ thống truy xuất cũng cho thấy mọi công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản sản phẩm được theo dõi một cách chặt chẽ và khi phát sinh sản phẩm lỗi, hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định được khâu nào gây ra sản phẩm lỗi, hư hỏng, từ đó có những biện pháp khắc phục kịp thời, giảm tối đa sự thất thoát, hư hỏng.

Có thể khẳng định, muốn kinh doanh thương mại và xuất khẩu được dược liệu ra quốc tế, Việt Nam cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn gen, quy trình khai thác, nuôi trồng, quy chuẩn sản xuất, phân phối… phải đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường hướng đến và có thể truy xuất kịp thời trên hệ thống thông qua việc gắn mã QR cho từng loại sản phẩm. Việt Nam cũng cần có đơn vị đầu mối về các dữ liệu thống kê chính thức về nhu cầu thị trường dược liệu, giá trị xuất khẩu hàng năm trên thị trường quốc tế… từ đó xây dựng và mở rộng chuỗi giá trị của dược liệu, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới.