Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện thật tốt là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia – dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại...”.

Các hệ giá trị này đã đóng vai trò, định hướng, thống nhất ý chí và tình cảm chung của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện khát vọng chung của dân tộc để tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

minhhoa.png

PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trong trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước.

Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị. Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi một hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. 

Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng,… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. 

Bởi vậy, tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo: Các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các phương tiện truyền thông đại chúng; các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật... cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị.

Trên cơ sở định hướng các hệ giá trị này, các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, vừa tiến hành cụ thể hóa các hệ giá trị nêu trên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, địa phương...

Trong quá trình triển khai thực hiện các hệ giá trị cần tập trung chỉ đạo, đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh - truyền hình trong việc sáng tạo, xây dựng và truyền bá các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, các ác, các giả; khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội; đặc biệt là với thanh thiếu niên, theo tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Văn Điệp và nhóm PV, BTV