Bình đẳng là một giá trị của xã hội hiện đại. Đa số người dân đánh giá khá cao tầm quan trọng của bình đẳng, cho thấy gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng. Cùng với đó là những thay đổi trong quan niệm về việc sống chung hoặc riêng trong gia đình. 

Tuy nhiên trong xu thế bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng chìm đắm trong thế giới ảo và giảm các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội có thể bị đảo lộn.

Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, một mặt, mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, mặt khác, tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo, như hẹn hò trực tuyến, thậm chí là rô-bốt tình dục,... dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ không cần tình yêu, không cần gia đình, không cần con cái, từ đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.

minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh các giá trị gia đình vẫn là giá trị được người dân ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống cũng như quy mô, cơ cấu, chức năng gia đình đang thay đổi theo hướng hiện đại hóa, cá nhân hóa, hạt nhân hóa, PGS, TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khuyến nghị đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa...

Xây dựng chính sách và dịch vụ xã hội bảo đảm sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các hình thức gia đình hiện nay, như chung sống không kết hôn, gia đình đơn thân, gia đình đồng tính, gia đình có hôn nhân với người nước ngoài, gia đình ly hôn/ly thân...

Phổ biến kết quả nghiên cứu về các giá trị gia đình mà người dân Việt Nam đang ủng hộ tới các nhà lập pháp, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về gia đình để nắm rõ thực tế các giá trị của gia đình hiện nay, đặc biệt là những khác biệt xã hội về giá trị gia đình thuộc các mức hiện đại hóa khác nhau, trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. Quan tâm đến các giá trị của nhóm thuộc khu vực kém phát triển, có mức hiện đại hóa thấp để có thể giáo dục, tuyên truyền duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp đang bảo lưu rõ nét ở khu vực này. Đồng thời, có những hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm hiện đại, đang có xu hướng theo những giá trị hiện đại của gia đình để phát huy sự tự do cá nhân, cởi mở trong quan niệm, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ.

Xem xét xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình trong thời kỳ tới trên cơ sở những giá trị gia đình đã được định hình thông suốt và thống nhất về mặt nhà nước là “ấm no”, “bình đẳng”, “chung thủy”, “tiến bộ” và “hạnh phúc”.

Trên thực tế, các giá trị này mang hàm nghĩa rộng mà đời sống xã hội hay trong quan niệm của nhân dân có thể còn những biểu hiện cụ thể hơn nữa, như giá trị của hôn nhân, gia đình, các biểu hiện của bền vững gia đình, giá trị con cái, tình thương yêu, hiếu thảo, đoàn kết cộng đồng, đồng thời bao hàm cả những biến đổi mạnh mẽ theo mức độ hiện đại hóa của các gia đình hiện nay.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 nên xem xét bổ sung nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình. Trong giai đoạn tới, Việt Nam nên chuyển mục tiêu từ “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội” sang “xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, phồn thịnh, là thiết chế quan trọng của các quá trình kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực ổn định, chất lượng” để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong sự phát triển của xã hội, đặt gia đình trong mối quan hệ “động” hơn với các quá trình kinh tế - xã hội chung.

Tiêu Thị Thanh Bình, Trần Bích Hạnh, Nguyễn Thị Thảo