Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng đậm đặc các trầm tích lịch sử, giàu bản sắc văn hóa và cốt cách riêng của con người được hình thành nhờ sự quyện chặt của các yếu tố địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - quân sự, địa - tự nhiên, sinh thái.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. 

Bám sát định hướng của Đảng, trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, xây dựng hệ giá trị của con người Quảng Ninh với các đặc trưng cơ bản: “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh”. 

Quảng Ninh
Quảng Ninh là vùng đất giàu bản sắc văn hóa.

Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thích ứng với sự thay đổi, nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức xã hội. Thường xuyên kết hợp đồng bộ xây dựng môi trường văn hóa gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh - nơi lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mỗi con người Quảng Ninh; môi trường văn hóa học đường - nơi rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Hệ giá trị con người tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, khái quát cao nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ.

Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ, các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao đang bổ sung, hoàn thiện và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo hướng thực hiện thường xuyên các chuẩn mực ứng xử văn minh, lịch sự với “4 xin” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) trong toàn tỉnh.

Xây dựng Bộ tiêu chí khu dân cư văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các khu dân cư. 

Triển khai các giải pháp xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm, môi trường giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách con người Quảng Ninh; chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.

Tỉnh Quảng Ninh tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình đến cộng đồng thông qua các phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tại khu dân cư, trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng... Hiện, toàn tỉnh ước có 99,7% số đám cưới và 99,6% số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh; có 1.452 thôn, khu phố đã xây dựng quy ước, hương ước.

Từ năm 2018 đến nay, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã được tỉnh bổ sung và triển khai hiệu quả. Tổng chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao giai đoạn 2018 - 2022 phục vụ cho phát triển văn hóa, thể chất người dân trên địa bàn tỉnh là 4.759 tỷ đồng. Ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó, chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên. 

Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm đầu tư nguồn lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách khuyến khích đào tạo. Nguồn kinh phí này giúp cho hệ thống giáo dục của tỉnh không ngừng được đầu tư, mở rộng, nâng cấp về cơ sở vật chất, tạo nên diện mạo khang trang, môi trường giáo dục hiện đại. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 87,81%, đáp ứng tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề đạt 85% (tăng 20,5% so với năm 2015).

Để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân, đảm bảo hài hòa giữa đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí “hạnh phúc”, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là động lực để toàn tỉnh xóa dần khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng miền, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển của tỉnh, có môi trường, điều kiện phát triển con người toàn diện.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với các giá trị đặc trưng và phù hợp với tiềm lực, thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước; văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân.

Quỳnh Nga