Hiện nay, sản phẩm nông sản (lúa gạo, thủy sản, rau màu, trái cây…) trên địa bàn tỉnh Cà Mau được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống phân phối truyền thống (chợ), hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) và các cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, các nhà phân phối, tiểu thương, hộ kinh doanh trong chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh và người tiêu dùng hiện khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng.

W-camau.png
Sản phẩm tôm Cà Mau

Mặt khác, người sản xuất các sản phẩm nông sản cũng chưa có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đã được cơ quan chức năng chứng nhận chất lượng tới các đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng. Việc kết nối, giới thiệu giữa người sản xuất với người kinh doanh tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ trong tỉnh hiện chủ yếu thực hiện thông qua các hội chợ nhưng chưa được thường xuyên, chi phí cao, chưa thu hút được đông đảo người sản xuất tham gia… Do đó, việc đưa công nghệ thông tin phục vụ kết nối cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh với người tiêu dùng nhằm dễ dàng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng niềm tin, tạo thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất thực phẩm an toàn, có kiểm soát, nâng cao hiệu quả cho người sản xuất, kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng...

Xác định việc triển khai thực hiện Dự án hệ thống quản lý chuỗi giá trị nông sản là cần thiết. Dựa trên cơ sở những nền tảng số đang có, ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm kịp thời, minh bạch, chính xác, an toàn, đáp ứng thị trường, phù hợp xu hướng chuyển đổi kinh tế số hiện nay.

Cà Mau xây dựng tổng mức đầu tư dự án 1,8 tỷ đồng, theo Quyết định số 3131/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh về việc phân khai nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ứng dụng công nghệ thông tin năm 2023. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025. Nội dung thực hiện tập trung vào việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, quản trị thông minh xây dựng hệ thống chương trình quản lý chuỗi sản phẩm nông sản, quản lý toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu thu thập dữ liệu, đánh giá tác động, xây dựng kế hoạch sản xuất, phân phối ra thị trường.

Thiết lập hệ thống sử dụng tem thông minh dùng công nghệ mã vạch 2 chiều (QR code) nhằm kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm thông qua các thiết bị thông minh (Smartphone). Từ đó, thuận tiện việc quản lý các chuỗi liên kết phát sinh; hỗ trợ liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dùng và các đối tác khác tham gia trong chuỗi giá trị nông sản. Xây dựng một số chuỗi liên kết tiêu biểu trên hệ thống, cập nhật các thông tin sản phẩm kết nối với sàn giao dịch điện tử của tỉnh và các website thương mại điện tử trong nước. Kết nối, liên thông với các dữ liệu cũ (chuyển đổi, điều chỉnh, bổ sung các trường thông tin theo quy định) đảm bảo có thể trao đổi dữ liệu đáp ứng kết nối với cơ sở dữ liệu chuỗi giá trị nông sản.