"Làng văn hóa kiểu mẫu” là sáng kiến của tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai từ tháng 1/2023, nhằm mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hệ thống chính trị…
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc chọn 28 thôn, tổ dân phố để thí điểm triển khai xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Theo chủ trương, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu. Mỗi mô hình làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 20 tỉ đồng đầu tư xây dựng công trình thiết chế văn hóa- thể thao. Cùng với đó, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại, tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau một thời gian triển khai, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương tỉnh Vĩnh Phúc bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Thụ Ích rộng 15.000m2
Sáng 27/8, Ban Chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức khánh thành thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Thụ Ích, xã Liên Châu. Đây là khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu đầu tiên của Vĩnh Phúc đi vào hoạt động.
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 5/2023, với tổng diện tích 15.000m2. Sau 3 tháng triển khai, từ chỗ nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, một số hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp… đến nay, khu thiết chế văn hóa, thể thao được cải tạo, bổ sung, hoàn thiện tạo nên một quần thể hài hòa, hữu ích. Trong đó, nhà văn hóa được xây mới với diện tích trên 600m2 và trang bị đồng bộ các thiết bị, nội thất âm thanh, ánh sáng; cải tạo, nạo vét toàn bộ 4.500m2 diện tích mặt nước, tạo thành hồ điều hòa, trồng sen, hoa súng bảo đảm cảnh quan, vệ sinh môi trường; đường dạo xung quanh hồ thiết kế rộng rãi. Hệ thống dụng cụ thể thao ngoài trời được lắp đặt đồng bộ; 2 sân bóng đá nhân tạo, 2 sân bóng chuyền kết hợp sân cầu lông của nhân dân được chỉnh trang, làm mới đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương.
Quá trình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu được nhân dân thôn Thụ Ích ủng hộ và đóng góp tích cực như: Nhân dân đóng góp trên 5.000m2 đất để mở rộng khuôn viên hạng mục công trình khu thiết chế của thôn; ủng hộ 300 ngày công, kinh phí để lắp camera an ninh, lắp biển tên đường, số nhà, trồng cây xanh; sơn bàn ghế, lắp loa máy hội trường; hàng nghìn mét tường rào, đường hoa, dải cây xanh được chỉnh trang, sơn sửa, trang trí kẻ vẽ; người dân tự giác duy trì công tác vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng khu thiết chế văn hóa Làng văn hóa kiểu mẫu là nhiệm vụ quan trọng. Để người dân thực sự được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc, thái bình, môi trường sống ngày càng được nâng lên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành cần quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai thành công cả 14 tiêu chí đề cập trong Đề án thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Trong đó, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất, dịch vụ, thương mại, tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nâng cao năng lực của bộ máy trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Chủ tịch tỉnh mong muốn bà con, nhân dân trong thôn Thụ Ích cần có trách nhiệm vun đắp, gìn giữ cảnh quan môi trường, giữ gìn vệ sinh, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc dựa trên mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, cộng đồng dân cư. Chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế, gìn giữ, bồi đắp các giá trị văn hóa của làng, của thôn, gìn giữ bản sắc bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng xóm. Đồng thời, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước của làng để xây dựng làng Thụ Ích thực sự trở thành Làng văn hóa kiểu mẫu.
Phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng văn hoá kiểu mẫu
Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: Đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027, hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.
Sự quyết tâm của Vĩnh Phúc trong hành trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là bước đột phá quan trọng trong việc phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trong vùng; đồng thời nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế xã hội.
Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần toàn diện cho người dân Vĩnh Phúc. Cùng với đó, xây dựng hệ thống chính trị một cách toàn diện mà ở đó mọi người dân đều được làm chủ, được hưởng thành quả của sự phát triển.