Các giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi, là cơ sở quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã xác định những quan điểm cơ bản, như văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết chỉ rõ đặc điểm của nền văn hóa mà đất nước ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc được Nghị quyết xác định bao gồm những giá trị truyền thống tốt đẹp, bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Nghị quyết cũng xác định nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng. Tính thống nhất và tính đa dạng phản ánh sâu sắc mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc (quốc gia) Việt Nam và sắc thái văn hóa các dân tộc (tộc người), văn hóa địa phương.
Quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thời gian qua trên cả nước đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết năm 2018, Việt Nam có gần 3.500 di tích được xếp hạng quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn 3 triệu di vật, cổ vật có giá trị đang được bảo quản, trưng bày tại hệ thống 166 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục..., trong đó có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhằm bảo đảm tính đa dạng, phong phú về sắc thái văn hóa của các vùng, miền trên cả nước.
Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế ngày càng được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Các loại hình, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước phát triển. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng; qua đó vai trò điều tiết của văn hóa tiếp tục được phát huy.
Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa và các giá trị tiến bộ của văn hóa nhân loại để bồi đắp và xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình xây dựng văn hóa nước ta vẫn còn không ít hạn chế. Văn hóa chưa được quan tâm và phát triển tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Môi trường văn hóa “vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đảng viên và người dân có chiều hướng gia tăng. Vẫn còn khoảng cách khá lớn trong hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân, quá trình rút ngắn khoảng cách này diễn ra còn chậm.
Ở nhiều vùng, miền trên cả nước, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống văn hóa tinh thần của người dân còn nghèo nàn, đơn điệu; ít có cơ hội tiếp cận thông tin cũng như thụ hưởng và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Thực tế còn có một số sản phẩm văn hóa chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí phản văn hóa.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý chưa theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ.
Hiện nay, bên cạnh những thời cơ, đất nước ta cũng đang đối mặt với những thách thức mới do tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế; âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số..., cùng những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là xung đột vũ trang, sự biến đổi khí hậu và dịch bệnh, như đại dịch COVID-19...
Trước những thời cơ và thách thức đặt ra trong thời kỳ mới, để thực hiện được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta là tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Anh Phương, Ngọc Ánh, Công Sáng