Với vị trí địa lý có 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển, nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, tỉnh Thái Bình là một vùng đất phì nhiêu, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Thái Bình được mệnh danh là "quê hương 5 tấn" bởi năm 1965 tỉnh đạt kỷ lục miền Bắc với năng suất lúa thu hoạch 5 tấn/ha. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình xác định, là tỉnh trọng điểm về lúa vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là hậu phương lớn trong những hậu phương, nên địa phương phải phát huy cao nhất thế mạnh của tỉnh, lấy nông nghiệp làm trọng tâm; sản xuất lương thực, thực phẩm là quan trọng hàng đầu để đáp ứng cho được nhu cầu lương thực cho đời sống nhân dân và chi viện nơi chiến trường...

Theo trang thông tin của tỉnh, giai đoạn 1965-1975, Thái Bình đã cung cấp hơn một tấn thóc cho nhà nước. Kỷ lục sản xuất 5 tấn lúa/ha của Thái Bình được nhạc sĩ Hoàng Vân đưa vào ca khúc "Hai chị em". 

Từ những thành quả đã được xác lập, thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình luôn thể hiện tốt vai trò, sứ mệnh là trụ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sự quan tâm đặc biệt, luôn coi nông nghiệp và nông thôn là lĩnh vực, địa bàn quan trọng đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã tập trung thực hiện chương trình "điện, đường, trường, trạm, nước sạch và điện thoại", với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Một góc nông thôn mới ở Thái Bình

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, mặc dù tập trung cao độ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, Thái Bình vẫn xác định đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đến năm 2030 là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, công nghệ để có năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa.

Hiện Thái Bình cũng là địa phương có diện tích lúa gieo cấy lớn thứ hai trong khu vực Đồng bằng sông Hồng (sau thành phố Hà Nội) với diện tích gieo cấy 2 vụ/ năm đạt gần 150.000 ha, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm.
Thay vì sản xuất lúa theo phương thức truyền thống, ngày nay người nông dân Thái Bình đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên mỗi đơn vị diện tích. Đã có không ít những nông dân làm giàu ngay trên chính đồng ruộng quê hương nhờ đổi mới tư duy.

Những năm gần đây, nông dân Thái Bình chú trọng hơn đến các giống lúa chất lượng cao với diện tích gieo cấy trung bình đạt 40%/năm, có huyện diện tích này tới 70%. Nhiều nông dân lại chọn hướng đi khác, thay vì sản xuất nhỏ lẻ thì họ mạnh dạn thuê đất, tích tụ ruộng đất để đầu tư cánh đồng lớn. Trên địa bàn hiện có hơn 1.300 hộ nông dân tập trung tích tụ ruộng đất quy mô lớn, trong đó có trên 4.800 ha được tích tụ với quy mô từ 2 ha trở lên.

Trong phát triển kinh tế, tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất lúa giống diện tích 270 ha/năm của Hợp tác xã Đông Quý (huyện Tiền Hải); mô hình tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn, ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Bình Định (huyện Kiến Xương); mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây màu giá trị kinh tế cao, diện tích trên 300ha của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Điệp Nông (huyện Hưng Hà).

Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. Đến thời điểm hiện nay, Thái Bình thu hút được hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao như: Dự án nhà máy chế biến thực phẩm sạch của Tập đoàn TH; dự án nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Geleximco…

Trong xây dựng nông thôn, tỉnh cũng đi tiên phong trong cả nước với cách làm sáng tạo, trở thành hình mẫu để Trung ương vận dụng triển khai trên diện rộng. Đó là việc chủ động làm điểm xây dựng nông thôn mới ngay từ năm 2009 tại tám xã với 30 tiêu chí, sau đó điều chỉnh thành 19 tiêu chí cho phù hợp Bộ tiêu chí nông thôn mới quốc gia. Đó là cách làm sáng tạo trong hỗ trợ xi-măng với phương châm ngân sách tỉnh hỗ trợ xi-măng, ngân sách cấp huyện, cấp xã và nhân dân mua vật liệu, đồng thời huy động đóng góp ngày công lao động để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn.

Tổng khối lượng xi-măng đã cấp cho các địa phương xây dựng công trình hạ tầng nông thôn từ tháng 11/2013 đến tháng 9/2020 là hơn 1,1 triệu tấn (tương đương 1.362 tỷ đồng). Cũng từ năm 2020, Thái Bình là tỉnh dẫn đầu cả nước trong chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn khi có 100% số xã, phường, thị trấn được cấp nước sạch, 100% số dân cư sử dụng nước sạch.

Phát huy thành quả đạt được của hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Thái Bình nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 11/2/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng tập trung hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Hiện nay, Thái Bình đã có 30 xã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (bằng 12,66% số xã trong tỉnh). Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) đã có những dấu ấn nhất định, bước đầu đạt được những kết quả khả quan, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao.

Từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh đã có 64 sản phẩm OCOP (có 32 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao). Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Thực hiện chương trình "Thắp sáng đường quê" trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, Thái Bình có 42 xã thực hiện lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời được 61,561km. Năm 2023 có thêm 36 xã đăng ký thực hiện lắp đặt đèn điện "Chương trình thắp sáng đường quê" với tổng chiều dài là 199,884 km.

Để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng nông thôn, tỉnh Thái Bình đang tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, trong đó, sản xuất nông nghiệp thông minh giữ vai trò chủ đạo để từng bước đưa nông thôn trở thành các vùng quê đáng sống.

Sự đồng lòng của toàn thể nhân dân Thái Bình ngày ấy đã làm nên chiến thắng, để lại những bài ca vang mãi muôn đời:

Những hạt thóc đi từ đất Thái Bình

Qua Quảng Trị, Thừa Thiên vào Hàm Tân, Xuyên Mộc

Thóc dạt dào như đất nước dạt dào tiềm lực

Mỗi bước thóc vào, trăm bước quân đi...

Sự đồng lòng của toàn thể nhân dân Thái Bình ngày nay sẽ tiếp tục làm nên những kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn thông minh, nông thôn hiện đại.

Vân Anh, và nhóm PV, BTV