Theo hướng dẫn của Sở Công thương, các địa phương nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ mới phải xây dựng chợ. Các địa phương còn lại cải tạo, sắp xếp lại hệ thống chợ sẵn có trên địa bàn để phục vụ người dân giao thương.
Ngay từ giai đoạn đầu, Phú Yên luôn chú trọng xây dựng tiêu chí chợ bên cạnh các tiêu chí NTM khác. Yếu tố quan trọng trong quy hoạch chợ gắn với quy hoạch chung của địa phương, tránh tình trạng chợ xây xong bỏ hoang, không sử dụng được.
Xây dựng nông thôn mới: Mạng lưới chợ đã khang trang, sạch đẹp. |
Tỉnh đầu tư phát triển chợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư chợ để đảm bảo đạt chỉ tiêu số 7 về chợ nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 141 chợ, trong đó: giữ nguyên vị trí nhưng đầu tư có chiều sâu 19 chợ, nâng cấp, mở rộng 86 chợ, di dời vị trí, xây mới 17 chợ, phát triển mới 19 chợ, đưa ra khỏi quy hoạch 19 chợ.
Hệ thống chợ nông thôn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và giữ gìn nét đẹp của phiên chợ vùng nông thôn. Kết quả đánh giá tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn), Tây Hòa có 10/10 xã đạt tiêu chí số lượng. Huyện tiếp tục củng cố, nâng cấp, giữ vững 100% chợ nông thôn theo hướng xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm, kinh doanh của nhân dân.
Thực hiện theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ của tỉnh, các địa phương được định hướng phát triển cụ thể về hạ tầng thương mại, qua đó tranh thủ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn Chương trình 135 để đầu tư xây mới, nâng cấp chợ trên địa bàn quản lý. Huyện Tuy An hiện có 28 chợ, trong đó 1 chợ hạng II và 27 chợ hạng III. Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện giữ nguyên vị trí 4 chợ, nâng cấp mở rộng 17 chợ, xây mới 3 chợ.
Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, : Hiện 15/28 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý (từ ban quản lý, tổ quản lý sang doanh nghiệp hoặc HTX quản lý). Số chợ xây mới gồm: Chợ Yến thôn Nhơn Hội xã An Hòa, Chợ Mới thôn Trung Lương xã An Nghiệp (đang xây dựng), chợ Giã xã An Ninh Tây (đang làm mặt bằng xây dựng).
Có thể xem việc quy hoạch lại chợ Yến là một thành công của Phú Yên.
Chợ Yến cũ (có diện tích 1.922m2) là không đủ diện tích tối thiểu (3.000m2), do đó việc xây dựng chợ mới là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân.
Theo quy định, chợ NTM phù hợp với quy hoạch của huyện và phù hợp với nhu cầu thực tế của cư dân địa phương, cần đạt các tiêu chuẩn cơ bản như: diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000m2 trở lên; diện tích nhà chợ chính tối đa hơn 40%; diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%. Mỗi chợ nông thôn phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác...
Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành cho biết: “Chợ Yến mới là một trong những hạng mục của trung tâm thương mại xã An Hòa. Chợ được xây dựng nhằm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển dịch vụ thương mại địa phương nói riêng và là một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM”.
Đến nay, chợ Yến tại địa điểm mới đã cơ bản hoàn thiện, khang trang, đảm bảo quá trình hoạt động mua bán diễn ra thuận lợi, an toàn; đã có 19 sạp tại chợ chính hoạt động ổn định; 50 hộ kinh doanh mua bán các mặt hàng rau, củ quả, thịt, cá. Việc hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cùng với các tiêu chí khác sẽ góp phần đưa xã An Hòa được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020 như mục tiêu đề ra.
Bài: Nguyễn Thị Thu Hằng - nhóm PV
Ảnh: Trần Minh Thúy - nhóm PV