Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Quyết định số 370/QĐ-BYT về chuẩn quốc gia về y tế xã, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua ngành Y tế đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về triển khai, thực hiện chương trình chuẩn quốc gia về y tế xã.
Xây dựng nông thôn mới nhìn từ việc thực hiện tiêu chí về y tế |
Sau 5 năm triển khai thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới, công tác chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khoẻ cộng đồng ở các địa phương trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Hệ thống trạm y tế xã được xây dựng, cải tạo, bổ sung trang thiết bị; đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn giúp trạm y tế xã có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại tuyến cơ sở. Sự nghiệp y tế nông thôn có bước thay đổi mạnh mẽ. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực, công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường. Hệ thống y tế dự phòng đã chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch; nhiều năm liền trên nhiều địa bàn cơ sở không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Tuy nhiên, khi thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2 (2011-2020) theo Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22-9-2011 của Bộ Y tế, việc triển khai xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, phường trên nhiều nơi còn gặp không ít khó khăn, bởi có nhiều tiêu chí đòi hỏi cao hơn trước.
Hạn chế lớn nhất của tuyến y tế cơ sở là người dân chưa tin tưởng bởi chất lượng chưa cao, thiếu cán bộ y tế, phạm vi chuyên môn còn hạn chế.
Chẳng hạn, tiêu chí về cơ sở hạ tầng đòi hỏi mỗi trạm y tế đạt chuẩn phải có ít nhất 10 phòng chức năng; hay với tiêu chí về trang thiết bị lại đòi hỏi các trạm phải có ít nhất 50% trang thiết bị theo danh mục đã ban hành gồm 176 loại, trong đó 3 loại thiết bị bắt buộc phải có là máy siêu âm, máy điện tim và máy đo đường huyết… Thế nhưng hiện nay hầu hết các trạm y tế vẫn thiếu nhiều thiết bị, có những tơi nơi được trang bị máy lại thiếu nhân lực có trình độ để sử dụng nên người bệnh vượt lên tuyến trên.
Nhiều nơi do đặc thù vùng nông thôn, địa bàn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân tuy đã được cải thiện nhưng so với mặt bằng chung còn khó khăn nên việc tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện không liên tục, nhiều hộ chỉ mua cho 2/3 số người trong gia đình. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm y tế chưa cao nên việc vận động tham gia rất khó.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng chỉ ra số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong khi chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.
Có thể thấy rằng, để xây dựng nông thôn mới, những khó khăn về cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, nhân lực của y tế xã cũng có thể giải quyết bằng sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương và ngành chức năng về nhân lực, vật lực qua từng năm. Song để đạt được chuẩn quốc gia về y tế, ngoài những tiêu chí khắt khe nói trên, Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn mới còn đòi hỏi nhiều tiêu chí khác mà không phải địa phương nào cũng thực hiện được ngay.
Bài: Nguyễn Thị Vân Anh - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV