Theo ghi nhận, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ không ngừng phấn đấu; khắc phục khó khăn; chủ động, sáng tạo thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng xã, huyện nông thôn mới. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, kinh tế tăng trưởng khá (bình quân 15,16%/năm), diện mạo nông thôn thật sự đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Tám năm qua, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đã huy động gần 1.950 tỉ đồng phục vụ XDNTM. |
Tám năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã huy động gần 1.950 tỉ đồng phục vụ XDNTM. Nguồn vốn này ưu tiên đầu tư hoàn thiện các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh, như hệ thống thủy lợi, đê bao, cầu, đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa.
Những thành tựu nổi bật
Mới đây, nhân dịp huyện Vĩnh Thạnh được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh đã có cuộc trò chuyện cởi mở với báo chí.
Ông Phương dẫn chứng bằng thực tế, ở nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện tập trung huy động nhiều nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân về kinh phí, hiến đất làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Kết quả, tất cả các tuyến đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; đường trục chính liên ấp được cứng hóa cấp đảm bảo ô tô, phương tiện xe cơ giới vận chuyển hàng hóa quanh năm. Hệ thống trường lớp trên địa bàn các xã được đầu tư xây dựng với 41/55 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Hiện các xã đều có Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, sân chơi thể thao, Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp... phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ và hoạt động thể thao của nhân dân.
Thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế - tổ chức sản xuất đã giúp kinh tế nông thôn của huyện đạt được những thành tựu quan trọng và có bước chuyển biến mới. Toàn huyện có 31 hợp tác xã nông nghiệp với 1.009 thành viên. Những năm qua, hoạt động của các hợp tác xã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, tạo được lòng tin trong các thành viên và có sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân.
Hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Vĩnh Thạnh đạt 46,67 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,97%. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học đạt 88,41%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,02%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; lượng rác thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý 78,8%...
Vai trò chủ thể của người dân phải được phát huy
Chia sẻ bài học kinh nghiệm rút ra từ 8 năm triển khai chương trình nông thôn mới, ông Phương cho biết: Trước hết, phải có sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để huy động mọi nguồn lực đầu tư XDNTM. Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn, phải xác định được nội dung, tiêu chí trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện. Từ đó phân kỳ đầu tư, bố trí vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện hợp lý, đúng kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó Vĩnh Thạnh đã quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao thu nhập làm tiền đề huy động nguồn lực trong dân; khuyến khích, hỗ trợ hình thành những vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả…
Quá trình XDNTM, vai trò chủ thể của người dân phải được phát huy cao độ. Ngành chức năng vận động, định hướng người dân trong việc chỉnh trang hàng rào, nhà ở; thu gom và xử lý rác đúng quy định; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Ông Phương nhấn mạnh, đích đến cuối cùng của XDNTM là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; chú ý phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Trong XDNTM, sức dân là “sức bền”, người dân là chủ thể, đồng thời là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích từ công cuộc XDNTM. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Vĩnh Thạnh đặt mục tiêu, đến năm 2020 giữ vững toàn bộ 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nâng chất các tiêu chí để đạt 3 xã nông thôn mới nâng cao; kiên cố hóa nhà ở đạt theo tiêu chuẩn quy định từ 90% trở lên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% trở lên, hộ sử dụng nước sạch đạt 90% trở lên, hộ nghèo xuống còn 1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Bài: Nguyễn Thành Huế - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV