Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”.
Trên tinh thần đó, xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá được xem là nội dung quan trọng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ mới ký ban hành Chỉ thị số 04 ngày 7/02/2023 về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Trong những năm qua, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và những cơ quan liên quan đã nghiêm túc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch nông thôn mới (NTM), xây dựng NTM đã đạt được thành tựu to lớn trong những năm qua làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.
Trong giai đoạn vừa qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những kết quả nổi bật, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch, là một trong những tiêu chí có kết quả khá cao trong Bộ tiêu chí NTM và có khoảng 1/3 số huyện đã có quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Đến nay, toàn quốc cũng đã có hơn 73% số xã đạt chuẩn NTM, 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM và 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ở nông thôn nhà cao tầng mọc lên san sát, giao thông được bê tông hóa kiên cố.
Tuy nhiên, tại các địa phương việc triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt việc bảo vệ, phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Để khắc phục những hạn chế trên, một trong những giải pháp được nhiều địa phương triển khai là nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức (CBCC) quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện xã, đáp ứng mục tiêu xây dựng NTM, bởi đội ngũ CBCC huyện, xã có vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung và thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã nói riêng.
Các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực. Các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện được xác định chủ yếu là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đời sống và sản xuất. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có quy mô cho sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện gắn kết với phát triển công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ sản xuất. Từng bước dịch chuyển hình thức canh tác của người nông dân sang hình thức canh tác công nhân nông nghiệp.
Từ những kết quả này, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được thực hiện theo quy hoạch đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị.
Vấn đề quy hoạch nông thôn mới trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề, là cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác quy hoạch nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Nhìn từ thực tế thời gian qua, các ý kiến cũng đã chỉ ra những bất cập hạn chế trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới như: Việc xây dựng quy hoạch ở nhiều địa phương còn chậm, một số địa phương chỉ đến khi hoàn thành thủ tục công nhận huyện NTM mới tiến hành xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng huyện, nên quy hoạch còn nặng về hình thức, để đủ theo yêu cầu của tiêu chí chứ chưa thực sự là công cụ trong tổ chức và quản lý không gian gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về cách sản xuất, các vấn đề xã hội như lao động, việc làm, văn hoá, lối sống ở nông thôn, các áp lực về môi trường, an ninh trật tự… trong khi chưa có quy định đặc thù trong xây dựng nông thôn mới ở các khu vực ven đô, khu vực quy hoạch phát triển thành đô thị.
Trong đó, một số khu vực nông thôn đã được quy hoạch phát triển thành đô thị nhưng không được bố trí nguồn lực để xây dựng NTM, hiện đang thiếu nguồn lực để đầu tư hạ tầng đô thị, tình trạng kéo dài nhiều năm dẫn đến tình trạng chậm phát triển hơn khác địa bàn khác.
Bất cập được nhắc nhiều là hạ tầng kết nối giữa khu vực đô thị - nông thôn chưa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ; hạ tầng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp ít được quan tâm và bố trí quỹ đất để xây dựng.
Tại một số địa phương có xu hướng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa làng quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp... Một số công trình hạ tầng mẫu như nhà văn hoá, nhà ở,… được áp dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc.
Dù những hạn chế này, đã được cụ thể hoá trong nội dung của Chương trình và Bộ tiêu chí xây dựng NTM các cấp của giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung bổ sung thêm nhưng một số nội dung hiện vẫn đang còn bỏ ngõ như chưa có hướng dẫn xây dựng NTM đối với các khu vực ven đô, chưa lượng hoá được các quy định/hướng dẫn về kiến trúc nông thôn,…
Bởi vậy, trong giai đoạn tiếp theo của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cần tiến hành xây dựng những mô hình NTM kiểu mẫu gắn với đặc thù từng vùng, miền, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn nông thôn. Các tỉnh, huyện cần xem xét, khảo sát kỹ, lựa chọn những khu vực phù hợp để triển khai mô hình NTM kiểu mẫu. Khu dân cư và vườn NTM kiểu mẫu nên được đánh giá theo các tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; bảo tồn không gian nông thôn truyền thống theo vùng, miền; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Yên Hưng