Long An có 134km đường biên giáp 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng (Vương quốc Campuchia), đi qua 20 xã của 6 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và Kiến Tường với 3 cửa khẩu và Cảng Quốc tế Long An tại huyện Cần Giuộc, chỉ cách TP.HCM chưa đầy 18km. 

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới huy động mọi nguồn lực triển khai khá hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Long An đã khai thác được tiềm năng kinh tế mậu biên. Các vùng quê ở vùng biên giới trên cánh Đồng Tháp Mười tỉnh Long An vốn vĩ khó khăn trước đây đã "thay da đổi thịt", đang trở thành điểm sáng trong trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng vùng nông thôn khu vực biên giới của Long An ngày càng giàu đẹp. 

Dọc tuyến biên giới, thị xã Kiến Tường là trung tâm kinh tế của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An, với 17.450 ha đất sản xuất nông nghiệp. Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Kiến Tường xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao là giải pháp then chốt để nâng giá trị hàng nông sản.

Qua 10 năm thực hiện, giá trị sản xuất nông nghiệp ở Kiến Tường đạt hơn 1.401 tỷ đồng, tăng hơn 324 tỷ đồng so với năm 2013, chiếm 35,1% giá trị sản xuất toàn thị xã. Thị xã đã hình thành được vùng lúa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 4.000 ha, lợi nhuận bình quân đạt trên 27,1 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt gần 60 triệu đồng/người/năm tăng gấp 3 lần so với 2011. Kiến Tường đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành xây dựng  nông thôn mới. 

Đức Huệ cũng là một huyện biên giới, xuất phát điểm trong quá trình xây dựng NTM địa phương ở mức thấp. Sau 10 năm xây dựng NTM, Đức Huệ đã có Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Nam hai xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt số tiêu chí bình quân 14,3 tiêu chí/xã. Khó khăn lớn nhất của Đức Huệ đang gặp phải là đến thời điểm này, con đường độc đạo về huyện còn nhỏ hẹp, cầu chỉ cho phép tải trọng 8 tấn. Mặt khác, việc huy động sức dân đóng góp cho việc xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của địa phương, tập trung huy động nguồn đóng góp từ các mạnh thường quân, đức huệ phần đấu đến 2025 có 5 xã đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cho biết, về phương hướng sắp tới theo lộ trình phấn đấu đến năm 2025 có 5 xã NTM và 2 xã NTM nâng cao. Chúng tôi cũng đang tập trung nguồn lực, vận động người dân tham gia đóng góp để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy. Kêu gọi các mạnh thường quân, đây là nguồn lực rất lớn để giúp huyện hoàn thành NTM trong thời gian tới.

Vĩnh Hưng là địa phương giáp ranh biên giới Campuchia, qua 10 năm xây dựng NTM đã có gần 90% đường liên xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, láng nhựa, bê tông hóa, ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường nông thôn luôn sáng, xanh, sạch đẹp, đời sống của người dân biên giới tăng gấp 3,5 lần.

Các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư kiên cố, kể cả đường đi ra ruộng cũng được nhựa hóa rất thuận lợi cho việc chuyển chở vật tư nông nghiệp, thu hoạch, vận chuyển, bán lúa được giá cao hơn những khu vực chưa có giao thông. Cùng với đó, việc địa phương tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, hợp tác xã, tổ hợp tác và hướng cho nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa như: ứng dụng máy bay vào công đoạn phun thuốc trừ sâu rầy hại, giảm chi phí thuê công lao động đã tăng thêm lợi nhuận đáng kể.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết, nửa đầu đầu năm ngoái, địa phương đã động gần 135 tỷ đồng (vốn trực tiếp chương trình gần 10 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 104 tỷ đồng, vốn đóng góp của người dân hơn 21 tỷ đồng), đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, thủy lợi, vệ sinh môi trường,... Đến nay, toàn huyện có 6/9 xã đạt chuẩn NTM, xã Khánh Hưng đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại đạt từ 15-17 tiêu chí. Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM thì mức sống sống về vật chất và tinh thần được nâng lên rất là rõ rệt, gấp 3,5 lần so với trước với trên 53 triệu đồng/người/năm; có 6/9 xã đạt tiêu chí giao thông; có 9/9 xã đạt tiêu chí giáo dục; 9/9 xã đạt tiêu chí điện. Đến nay, khu vực nông thôn của huyện còn 227 hộ nghèo, chiếm 1,85%,...

Đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào năm 2025, Vĩnh Hưng đang tập trung huy động mọi nguồn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, vận động người dân chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng chương trình NTM. Hoàn thiện các kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng về giao thông. Đây là khâu đột phá để thu hút đầu tư trên địa bàn của huyện. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, nâng cao được thu nhập và mức sống của cư dân nông thôn.

Những thông tin trên là minh chứng sống động cho thấy, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã và đang giúp cho người dân 6 huyện biên giới (Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Kiến Tường, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường) của tỉnh Long An ngày thêm đổi mới và đang thúc đẩy tiềm năng kinh tế khu vực biên giới.


 


 

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV