Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đại Từ đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào. Hết năm 2022, toàn huyện có 26/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đại Từ đã đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Riêng năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt gần 374 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 76 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn các xã được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống của người dân đã được cải thiện.
Kết quả quan trọng này chính là tiền đề, động lực để huyện Đại Từ bứt phá, quyết tâm đạt 9/9 tiêu chí, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2023, về đích trước 1 năm so với kế hoạch.
Đánh giá về quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, bà Hoàng Thị Bạch Yến, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đại Từ cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân cũng như thực hiện các tiêu chí để nhân dân thấy được mục đích, ý nghĩa cũng như hoạt động của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cơ sở mình, có sự đánh giá công tâm, khách quan và chính xác.
Mỗi người dân đều nhận thức được vai trò của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Điều đó thể hiện ở việc tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã thật sự hiệu quả.
Bà cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, việc huy động sức dân chính là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả và sự bền vững trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Để huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp huyện Đại Từ đã đưa ra nhiều cách làm hay, sáng tạo để đạt được kết quả như mong đợi.
Ngày 28/12, ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị họp bàn về kế hoạch phát động thi đua đặc biệt: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Đại Từ chung sức quyết tâm xây dựng Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Thời gian thực hiện kế hoạch phát động thi đua đặc biệt chung sức xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ tháng 1/2023 đến hết năm 2023.
Theo đó, thực hiện hoàn thành 100% các chỉ tiêu, yêu cầu theo quy định đối với huyện nông thôn mới, bao gồm: tỷ lệ 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, thi đua xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng và hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Thi đua, chăm sóc, xây dựng, duy trì cảnh quan môi trường toàn huyện sáng, xanh, sạch, đẹp; các tuyến đường huyện quản lý và xã quản lý được trồng cây xanh hoặc trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan, không ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông, lắp đặt điện chiếu sáng tại các khu dân cư nơi có nhiều người qua lại.
Định kỳ ít nhất mỗi tháng một lần huy động tổng vệ sinh theo địa bàn từng xã. 100% các công trình nhà văn hóa xóm, các điểm vui chơi công cộng, sân thể thao, nhà văn hóa xã, khuôn viên trụ sở làm việc các xã, các cơ quan, đơn vị thường xuyên duy trì, cải tạo cảnh quan mỹ quan, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Toàn dân thi đua xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. UBND huyện phát động đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức cấp huyện thực hiện ngày ra quân xuống các xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và cùng nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các xã ít nhất một lần trong tháng.
Hà Giang