Lợi ích kép của du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới 

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Việc phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới được xem là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép. Theo đó, phát triển du lịch nông thôn sẽ là đòn bẩy để hoàn thành các tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới như thu nhập, lao động, môi trường… 

Ngược lại, kết quả thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới cũng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc phát triển du lịch.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện cả nước có trên 1.300 điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý.

Trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Du lịch nông thôn khá đa dạng, với các loại hình chủ đạo: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. 

Lợi thế “trời cho” về du lịch nông thôn ở Hòa Bình

Một homestay ở Hòa Bình. 

Hòa Bình là một trong những tỉnh có lợi thế phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới. Lợi thế đến từ sự phong phú, đa dạng trong phong tục tập quán của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái độc đáo tại các khu bảo tồn thiên nhiên cũng là lợi thế “trời cho” của tỉnh này. 

Bên cạnh đó, nông nghiệp Hòa Bình cũng phát triển những vùng trồng cây ăn quả có múi tại Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất rau an toàn tại Lương Sơn… 

Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch về triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025. 

Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh.

Tỉnh phấn đấu có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn.

Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Thời gian qua, du lịch nông thôn tại Hòa Bình phát triển nhanh với nhiều mô hình, tour du lịch hút khách như: Trải nghiệm vườn cam, đồi chè; khám phá khu bảo tồn thiên nhiên; du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng... 

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 4 xóm, bản du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 - 4 sao, gồm: du lịch cộng đồng Hang Kia và du lịch cộng đồng bản Lác (Mai Châu) đạt 4 sao; du lịch cộng đồng Đá Bia (Đà Bắc) đạt 3 sao; du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải (Tân Lạc) đạt 3 sao. 

Bên cạnh sự phát triển nhanh của du lịch cộng đồng, vài năm trở lại đây, một số địa phương như huyện Cao Phong quan tâm đầu tư phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. 

Từ năm 2016, huyện bắt đầu tổ chức đón khách tới thăm quan, trải nghiệm vườn cam. Sự thân thiện, mến khách của nhà vườn, cùng với vẻ đẹp hấp dẫn của những vườn cam trĩu quả, vàng óng đã thu hút được đông đảo du khách tới thăm quan.

Từ những lợi thế mang lại, du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới ở Hòa Bình sẽ tiếp tục có bước đi dài ở những năm tới.

Trang Ngọc