Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đại đa số người dân, thu hút họ chung tay xây dựng nông thôn mới.Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển dần sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi khắp cả tỉnh.
Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, không có điểm dừng |
Bình Định là một trong những tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh của cả nước với nhiều mô hình liên kết sản xuất; trong đó, lớn nhất là mô hình liên kết chăn nuôi lợn thịt tại huyện Hoài Ân với hơn 29.000 hộ dân tham gia.
Bình Định cũng đã xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quy mô hơn 206 ha tại huyện Phù Cát và chuẩn bị hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 406 ha; có đội tàu thuyền và sản lượng hải sản đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước…
Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống vật chất và tinh thần của phần lớn dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào toàn dân, toàn diện và đoàn kết. Qua đó, chương trình đã từng bước nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội cho người dân; số hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 5,51%.
Kết quả sau 10 năm
Sau 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Bình Định có 02 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018 là huyện Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn.
Dự kiến trong năm 2019, thành phố Quy Nhơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tổng kết 5 năm (2011-2015) tỉnh Bình Định được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng nhất kèm 40 tỷ tiền thưởng xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội về thành tích dẫn đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. Tổng kết giai đoạn 2011-2020, tỉnh Bình Định có 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu phấn đấu Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ 19) đang trình, đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân Chương độc lập hạng 3.
Mục tiêu phấn đấu năm 2020, công nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến công nhận ít nhất 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; lũy kế đến năm 2020 có ít nhất 85 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, Bình Định tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình đảm bảo chất lượng và bền vững; phát huy những thế mạnh và tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng; khắc phục triệt để những yếu kém tồn tại, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình đề dần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng của tỉnh; đảm bảo thực sự nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.
Bình Định phấn đấu mục tiêu giai đoạn 2021-2025, công nhận 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn; nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 7/11 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng 01 huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 85% số thôn (làng) thuộc xã khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Nhiệm vụ trọng tâm không có điểm dừng
Đánh giá về quá trình thực hiện chương trình này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định cho rằng: Nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn tập trung khá nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa thực sự chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển…
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phải thực hiện thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn toàn diện, bền vững.
Yêu cầu đặt ra là tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó khăn như vùng bãi ngang, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phát triển nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo môi trường và nhu cầu của người dân, lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng và phát triển.
Bài: Lê Diệu Thúy - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV