Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), trong suốt thời gian triển khai chương trình, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng đất nước luôn được chú trọng.

{keywords}
Xây dựng NTM, phát huy lợi thế du lịch nông nghiệp nông thôn. 

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thường xuyên tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc; phối hợp với các địa phương định kỳ tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, tôn vinh các giá trị văn hóa, quảng bá du lịch. 

Đáng chú ý, nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo riêng trong bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống như: Bắc Ninh có chính sách đãi ngộ nghệ nhân quan họ, CLB nhà chứa quan họ; Hội nghệ nhân dân gian ở Hà Giang; Lạng Sơn có Hội bảo tồn dân ca các dân tộc; Sơn La, Hòa Bình tổ chức liên hoan các đội văn nghệ quần chúng thôn bản; Hà Tĩnh các CLB văn hóa văn nghệ... 

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc, trong đó công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật đạt hiệu quả tích cực. Đã phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một, tạo môi trường văn hoá lành mạnh, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa-du lịch góp phần xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc. 

Đến nay đã có gần 70 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức phục dựng bảo tồn và phát triển. 

Để góp phần vào công tác tuyên truyền một cách hiệu quả ở vùng dân tộc thiểu số, hàng năm đã cung cấp ấn phẩm phục vụ đồng bào. Các sản phẩm đảm bảo tính thời sự, phù hợp, thiết thực với đối tượng hưởng lợi; phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và công tác văn hóa - thông tin ở cơ sở. 

Nhiều địa phương đã mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người cho các dân tộc có số dân dưới 10 ngàn người. 

Đây chính là một trong các hình thức hiệu quả trong việc nâng cao ý thức tự giác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Định kỳ tổ chức gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số lắng nghe ý kiến, từ đó tham mưu những chính sách thiết thực, phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào. 

Các dự án về bảo tồn trang phục truyền thống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương nhằm giữ gìn, tôn vinh và quảng bá các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam một cách bài bản, khoa học.

Báo cáo cũng nêu rõ, các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở nông thôn cũng được đa dạng hoá và chú trọng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân ngày một tăng. 

Bên cạnh việc hoàn thiện các thiết chế văn hoá cơ sở như trung tâm văn hoá thể thao cấp xã, nhà văn hoá xã, các địa phương đã tích cực tìm tòi các loại hình phù hợp với như cầu cầu sinh hoạt hưởng thụ của nhân dân, các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, các hội thi hội diễn đã thu hút một lượng lớn diễn viên nghiệp dư tham gia các chương trình và luôn có sự đổi mới linh hoạt về nội dung, hình thức biểu diễn và chất lượng nghệ thuật… 

Từ những hoạt động này, các thiết chế văn hóa cấp xã, thôn đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Về cơ bản thiết chế văn hóa cấp xã, thôn có nội dung hoạt động đa dạng phong phú, gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng, là nơi sinh hoạt chính trị - xã hội của địa phương. Nhiều đơn vị cấp xã, cấp thôn đã xây dựng được phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển, thực sự là hạt nhân cho đời sống văn hóa ở vùng nông thôn ngày càng phong phú.

Đề cập đến vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc xây dựng nông thôn mới còn chú trọng đến việc phát huy các giá trị và lợi thế của từng địa phương để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn; chú trọng phát triển văn hoá đọc, đưa sách báo về nông thôn; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Theo đó, đến nay đã có 69.024/106.382 (đạt 65%) làng, thôn, ấp, bản văn hóa (trong đó trên 50% làng, thôn, ấp, bản văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới).

Giai đoạn tới sẽ tiếp tục chú trong nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự, trong đó, chú trọng phát triển các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở các thôn, bản, ấp nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp; nhân rộng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc…, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Bài: Nguyễn Đắc Vịnh - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV