Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp quốc phòng những năm tiếp theo.

{keywords}
Mô hình đài ra đa 3D cảnh giới tầm trung. Viettel cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công 5 chủng loại radar cho cả Lục quân, Phòng không, Không quân và Hải quân hoạt động ở tầm trung, tầm xa, bắt thấp…

Chia sẻ với báo chí, Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục công nghiệp quốc phòng cho hay:

Một trong những kết quả quan trọng nhất cần phải khẳng định là chúng ta đã tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tiềm lực khoa học và công nghệ  quân sự được nâng lên, đã làm chủ được nhiều công nghệ lõi, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được nhiều chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới. Sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, có chất lượng cao.

Hệ thống quản lý và cơ sở công nghiệp quốc phòng từng bước được kiện toàn; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng được xây dựng đồng bộ, đổi mới. Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng được đẩy mạnh và chủ động hơn trong các lĩnh vực. Huy động được các nguồn lực cho đầu tư, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới.

Công tác đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển vũ khí lục quân và một số loại vũ khí chiến lược, hiện đại. Triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, thiết kế vũ khí trang bị kỹ thuật trọng điểm, tạo bước tiến vượt bậc, đột phá về năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí chiến lược, hiện đại. Công tác sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật có bước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2011 đến nay đã làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa nhiều chủng loại sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu tác chiến của quân đội, trong đó có một số loại đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Từ đó, việc bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật chuyển dần từ mua sắm, lắp ráp là chính sang nghiên cứu, sản xuất trong nước.

Cũng theo Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trước hết cần quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, đó là phải coi xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; phải gắn với yêu cầu hiện đại hóa quân đội, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chiến lược quân sự, quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm tốt vũ khí trang bị kỹ thuật cho LLVT trong mọi tình huống.

Phát triển công nghiệp quốc phòng bảo đảm tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; có hệ thống tổ chức bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, cơ chế hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc thù lĩnh vực quân sự, quốc phòng; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học và công nghệ. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

Mục tiêu đặt ra là phát triển công nghiệp quốc phòng đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có tính năng chiến thuật, kỹ thuật cao theo yêu cầu trang bị cho LLVT, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện đại; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa phần lớn các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có trong biên chế; tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược trên một số nhóm sản phẩm chính; làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp quốc phòng ; phát triển những lĩnh vực mũi nhọn trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tạo sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời từng bước chuyển giao các công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh.

Như Sỹ