Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong thời kỳ mới hiện nay, điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể; có những điều kiện cơ bản để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của mình. Đặc biệt, nhiều giá trị quý báu của gia đình Việt Nam không ngừng được duy trì và phát huy.

Cùng với đó, giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được coi trọng, tạo dựng nền tảng vững chắc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới.

W-giadinh-thachthao.png
Giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được coi trọng, tạo nền tảng vững chắc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, các chức năng của gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi, tác động đến các giá trị của gia đình.

Hiện nay, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhất là thời kỳ công nghệ số, từng cá nhân đều có cuộc sống bận rộn, lối sống nhanh, sống gấp, nhiều gia đình khó khăn trong việc dành nhiều thời gian để cùng nhau trò chuyện hoặc có cơ hội tham gia cùng một hoạt động chung như bữa cơm gia đình, dã ngoại...

Thực trạng dù sống trong cùng gia đình nhưng mỗi người một lịch sinh hoạt, ai cũng đòi hỏi có thời gian và không gian riêng tư, từ đó vợ chồng, con cái, ông bà không có cơ hội chia sẻ, thăm hỏi, liên hệ với nhau chủ yếu qua điện thoại, không phải hiếm. Ít chia sẻ, ít giao tiếp giữa các thành viên khiến sợi dây liên kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Đặc biệt với người cao tuổi trong gia đình hiện rất dễ rơi vào trạng thái tủi thân, cô đơn, lạc lõng ngay trong chính căn nhà của mình.  

Theo bà Hương, hiện đã có sự xuất hiện của kiểu gia đình mới: cha, mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính. Đồng thời do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng. 

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, cho hay với những đánh giá về thực trạng gia đình hiện nay cho thấy tỷ lệ bạo lực gia đình gia tăng, tỷ lệ ly hôn tăng, kéo theo việc chăm sóc, giáo dục con cái chểnh mảng, tỷ lệ bạo hành trẻ em cũng tăng.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lý nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân. Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình.

Để xây dựng gia đình với những giá trị cốt lõi "ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh", là thành trì vững chắc chống lại các tệ nạn xã hội hay tác động tiêu cực; thực sự là tổ ấm, là nơi mọi người cảm thấy thật sự thoải mái, hạnh phúc mỗi khi trở về, mỗi người phải có ý thức xây dựng, vun đắp cho gia đình của chính mình những giá trị tốt đẹp nhất trong gia đình.

Muốn vậy, trước tiên mỗi thành viên trong gia đình phải là những con người chuẩn mực, sống có trách nhiệm, thực hiện tốt bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đó là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; Giữa vợ, chồng phải chung thủy, nghĩa tình; Giữa cha mẹ với con, ông bà với cháu phải gương mẫu, yêu thương; Con cái với cha mẹ, cháu với ông bà phải đề cao tính hiếu thảo, lễ phép; Anh chị em hòa thuận, chia sẻ. 

Để phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trở thành nền tảng quan trọng để xây dựng chuẩn mực con người và các hệ giá trị Việt Nam phải đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, vun đắp các giá trị gia đình thông qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm về phát triển gia đình… Qua đó cũng để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, thi đua xây dựng các gia đình văn hóa tiêu biểu mẫu mực.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV