Sau một thời gian dài hoạt động du lịch của Hà Nội gần như bị “đóng băng” bởi dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thành phố đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin toàn dân nhằm từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, ngành du lịch sẽ mở cửa hoạt động trở lại cùng với  các ngành kinh tế khác.

Đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Hà Nội dự báo chỉ có thể đón vào nửa sau năm 2022, vì vậy trước mắt cần tập trung phục hồi, phát triển thị trường khách nội địa. Song hoạt động du lịch phải đáp ứng đầy đủ các quy định của ngành y tế về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế tại Hà Nội, theo bà Giang, ngành du lịch sẽ xây dựng dự thảo bộ tiêu chí thích ứng an toàn dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động du lịch, trình UBND Thành phố ban hành thời gian tới. Trong đó, thực hiện theo lộ trình chuyển đổi 4 giai đoạn, tương ứng với các cấp độ dịch.

{keywords}
Hà Nội xây dựng vùng xanh du lịch

Cụ thể, các dịch vụ du lịch sẽ mở cửa hoạt động theo diễn biến dịch bệnh vào tháng 10, chia làm 2 giai đoạn để có thể cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong địa bàn thành phố; Tháng 11 sẽ áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo giai đoạn 3, dựa theo đánh giá tình hình thực tế. Cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong Hà Nội và các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh. Tháng 12/2021 áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo trạng thái bình thường mới ở giai đoạn 4.

Nhấn mạnh về bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch, bà Giang cho biết, bộ tiêu chí sẽ quy định chi tiết tiêu chí, quy trình an toàn phòng, chống dịch trong tình hình mới đối với các đơn vị. Xây dựng các điểm du lịch xanh, cơ sở lưu trú xanh, dịch vụ xanh đảm bảo sức khỏe, an toàn cao nhất cho cộng đồng, du khách và đơn vị du lịch.

Trước mắt, tập trung hỗ trợ nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản-di tích, làng nghề. Hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành đăng ký xây dựng các tour du lịch, caravan khép kín, ngắn ngày đến các điểm du lịch xanh tại thành phố.

Hà Nội dự kiến sẽ thí điểm tour du lịch, caravan khép kín tại làng cổ ở Đường Lâm, Vườn quốc gia Ba Vì, chùa Hương theo hướng dẫn của Sở GTVT, Sở Y tế và chính quyền địa phương. Phối hợp với một số tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, xây dựng phương án mở lại hoạt động trao đổi khách du lịch.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc xây dựng vùng xanh du lịch an toàn được coi là điều kiện tiên quyết đặt ra với ngành du lịch Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong thời điểm này. Đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và du khách phải chủ động tuân thủ các quy trình, quy chuẩn sản phẩm du lịch an toàn với di chuyển xanh, dịch vụ xanh, điểm đến xanh.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nhận định, trong tình hình hiện nay, du lịch nội địa vẫn là cứu cánh của doanh nghiệp, giúp nhiều đơn vị tham gia vào mảng thị trường này khi khả năng đón khách quốc tế chưa thể xác định cụ thể đến thời điểm nào. Muốn vậy, không còn cách nào khác là phải đảm bảo an toàn trong phát triển du lịch.

Cũng theo ông Thắng, chương trình du lịch an toàn là tour và dịch vụ du lịch phải khép kín, không thể tự do, linh hoạt như trước đây. Việc xây dựng tuyến điểm tham quan, dừng nghỉ… phải đảm bảo an toàn.

Cùng với giải pháp xây dựng vùng xanh du lịch, ngành du lịch Thủ đô cũng đã kiến nghị với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch quan tâm hỗ trợ về chuyên môn và quy trình thực hiện chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch ở các địa phương. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút lực lượng lao động du lịch, đặc biệt là lực lượng có chuyên môn cao nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển du lịch khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Đồng thời đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền địa phương ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động du lịch toàn quốc theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ. Đề xuất các chính sách hỗ trợ du lịch liên quan đến miễn giảm thuế, phí, giãn thời gian nộp thuế, giãn hoãn nợ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang