Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 5.032 km, tiếp giáp với ba nước: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia; có bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2; với 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 233 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, 1.084 xã, phường, thị trấn có biên giới. 

Khu vực xã biên giới có khoảng 2,4 triệu hộ dân, với 9,8 triệu người đang sinh sống, địa hình đa dạng, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn kém phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Thực tiễn công cuộc gìn giữ, bảo vệ biên cương Tổ quốc cho thấy, yếu tố “lòng dân” là cội nguồn sức mạnh của sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Vì vậy, để gìn giữ biên cương, lãnh thổ, ông cha ta luôn coi “mỗi người dân ở biên giới, vùng biển là một người lính biên thùy”. 

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới sẽ không thể hoàn thành nếu không dựa vào sức mạnh của “thế trận lòng dân”, “nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”. Những đóng góp của nhân dân các dân tộc ở biên giới trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước là rất to lớn, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo đã thể hiện rõ hình ảnh của “biên giới lòng dân” vững chắc. 

Vì vậy, việc xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Việc xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Ảnh: Phối hợp tuần tra khu vực biên giới.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng lần đầu tiên sử dụng cụm từ “thế trận lòng dân” và xác định: xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Để củng cố và tăng cường hơn nữa “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. Đại hội XI của Đảng tiếp tục chỉ rõ: Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của khu vực biên giới, hải đảo, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, phát triển vùng biên giới còn nhiều khó khăn, nhờ vậy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế của các địa phương biên giới đạt tốc độ khá cao; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư xây dựng; hoạt động thương mại biên giới tăng trưởng khá; các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; mối quan hệ Đảng, chính quyền với nhân dân và lực lượng vũ trang được tăng cường; chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Đó chính là cơ sở quan trọng để đồng bào đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” trong thế trận biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Trong một bài viết cách nay mấy năm, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nêu 4 giải pháp cần thực hiện tốt để góp phần củng cố, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới, tạo nền tảng xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, thời gian tới:

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 88-2019-QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Kết hợp chặt chẽ chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững quốc phòng - an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi, ổn định dân cư lâu dài ở khu vực biên giới. Đây là nhân tố có tính chất quyết định trong việc xây dựng “thế trận lòng dân”, là mục tiêu của cách mạng, là động lực thúc đẩy sức mạnh của toàn dân.

Hai là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới. Làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân không chỉ nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn hiểu rõ, hiểu đúng tình hình thực tế, bản chất của các vấn đề nhạy cảm, phức tạp đang diễn ra, những thách thức về an ninh phi truyền thống khu vực biên giới, vạch rõ các quan điểm sai trái, luận điệu phản động, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm tạo nên sự đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”.

Trên cơ sở đó, mỗi người dân nhận thức đúng quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở địa phương, nâng cao cảnh giác cách mạng, tỉnh táo trước các thủ đoạn chống phá của kẻ xấu, tự giác tham gia cùng các cấp, các ngành, các lực lượng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới thì trước hết phải xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân với tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Chú ý đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm phát hiện, khen thưởng các điển hình tiên tiến về xây dựng “thế trận lòng dân” và nhân rộng trong toàn xã hội.  Thực tiễn đất nước qua gần 35 năm đổi mới, đặc biệt là những kết quả quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng rõ nhất để không ngừng củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Bốn là, đổi mới toàn diện, đồng bộ các mặt công tác biên phòng, thường xuyên và chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đấu tranh khôn khéo, kiên quyết và có hiệu quả đối với tội phạm và các đối tượng vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn an ninh khu vực biên giới. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng nhằm tăng cường đoàn kết quân dân ở khu vực biên giới trong tình hình mới. Bộ đội Biên phòng phải ra sức phấn đấu làm tròn vai trò nòng cốt trong xây dựng nền Biên phòng toàn dân; đồng thời có nhiều hình thức, phương pháp tiến hành công tác xây dựng khối đoàn kết quân dân; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, nhất là việc tuyên truyền, vận động, giáo dục hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện tốt phương châm: thận trọng, kiên nhẫn, kiên quyết, hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội của địa phương để nghe được dân nói, nói cho dân hiểu. Coi trọng “lời nói đi đôi với việc làm”, “làm trước, nói sau”, làm đến đâu, chắc đến đó, lấy hiệu quả công tác làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội trên từng cương vị được giao. Đồng thời bộ đội phải luôn có thái độ và ý thức chấp hành nghiêm túc 12 điều kỷ luật trong quan hệ quân dân; rèn luyện ý thức tự giác, tính độc lập tự chủ, nhất là trong điều kiện công tác xa đơn vị; tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân; xây dựng đạo đức, lối sống giản dị, khiêm tốn, tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc tạo nên tình đoàn kết quân dân bền chặt, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Duy Khánh, Anh Dũng, Thu Huyền