Cảnh xe buýt bị kẹt giữa dòng người ở các tuyến đường trung tâm thủ đô giờ cao điểm không còn là lạ nhiều năm nay. Hình ảnh tại đường Nguyễn Trãi, khu vực Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) lúc 8h hàng ngày.

Xe buýt số 27 chạy qua các tuyến Ngã Tư Sở, đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Chí Công lúc hơn 8h, chỉ lác đác 5 khách ngồi trên. Qua nhiều trạm dừng đỗ, hầu như không có người lên, xuống. 

Phía ngoài đường Trường Chinh, các phương tiện di chuyển khó khăn. 

Mai Trang (22 tuổi, quận Thanh Xuân) thỉnh thoảng chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển. “Tôi chỉ đi xe buýt khi phương tiện cá nhân xảy ra sự cố. Quãng đường từ nhà ra trạm dừng đỗ đón trả khách gần nhất cũng hơn 500m. Vào những hôm thời tiết oi bức tôi cũng ngại đi bộ ra bến”, cô nói.

Trên chuyến xe buýt 09A, khi đi ngang qua Đại học Giao thông Vận tải, chị Trần Thị Hoàng cho biết rất mệt mỏi khi tham gia giao thông Hà Nội vào buổi sáng, dù đi xe máy hay xe buýt. “Quãng đường khoảng 5km, tôi mất gần 50 phút bao gồm cả chờ đợi”, chị nói. 

 Vào khung giờ cao điểm buổi chiều, xe buýt tuyến 21A đi qua nhiều trường đại học như Kinh tế Quốc dân, Bách khoa, Xây dựng, bên trên nhiều ghế trống. Tài xế cho biết kể cả thời gian sinh viên đi học, một số chuyến đi qua trung tâm thành phố không còn đông như trước đây. 

Bùi Thu Trinh (Đại học Bách Khoa) về nhà sau buổi ngoại khoá. Xe buýt là phương tiện di chuyển chính của em. “Trước đây xe buýt tuyến 21A hay bị quá tải, dịp này sinh viên đang nghỉ hè nên có phần vắng khách hơn”, Trinh nói. 

Cũng trong khung giờ cao điểm tại Hà Nội, bên trong nhiều nhà chờ xe buýt nhanh chỉ lác đác vài khách. Phương tiện di chuyển quen thuộc của người dân vẫn là xe máy.