Wi-Fi của một siêu thị bất kỳ ở Thế Giới Di Động trên toàn quốc nếu được báo hư thì đội ngũ công nghệ thông tin đặt tại TP.HCM phải phản hồi ngay trong… 2 phút, tối đa 30 phút phải sửa xong. Nhân viên giao hàng khi lắp ráp tại nhà khách hàng đều phải chụp ảnh nghiệm thu, việc rà soát ảnh chụp xem có gian dối hay không sẽ do robot thực hiện...

Trên đây là những ưu điểm trong hệ thống quản trị bằng công nghệ của Thế Giới Di Động mà cuối tuần trước ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cùng với hai cộng sự của mình lần đầu tiên chia sẻ công khai. Hệ thống này cực kỳ quan trọng vì ngay từ khi mở đến siêu thị thứ hai, Thế Giới Di Động đã bắt đầu xây dựng hệ thống để có thể quản lý từ xa mọi siêu thị mới mở. Đây cũng là những bí mật mà ông Tài cho biết hơn 10 năm nay giữ kín như bí kíp, gần đây mới chia sẻ nhằm tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp trẻ.

Nguyên tắc ngay từ đầu khi thành lập Thế Giới Di Động là giải quyết các vấn đề quản trị bằng máy móc, không dùng cơ bắp. Từ khi mở siêu thị thứ hai, công ty đã xây dựng ngay hệ thống để quản lý mọi thứ từ xa nhằm phục vụ cho việc mở rộng hệ thống sau này.

Để vận hành hệ thống quản trị hiện tại, theo ông Tài, có hai người không thể thay thế được là ông Phạm Văn Trọng - Giám đốc CNTT và ông Bùi Ngọc Tín - Phó Giám đốc CNTT.

Trình bày trong khán phòng khoảng 1.000 người là các quản lý cấp cao, chủ cửa hàng bán lẻ vào cuối tuần trước, ông Trọng cho biết hệ thống công nghệ tại Thế Giới Di Động có thể quản lý định danh tới từng chiếc điện thoại di động dựa trên số IMEI của máy. Chỉ cần nhập vào số IMEI này có thể biết mọi thông tin về máy: ngày nhập kho, đang ở siêu thị nào, các khuyến mại áp cho chiếc điện thoại...

Giả sử có một khách hàng đặt mua điện thoại cũ ở một siêu thị nhất định, hệ thống sẽ lọc và tìm ra chiếc máy phù hợp, đồng thời “khoá" IMEI chiếc máy để tránh việc nhân viên bán hàng bán chiếc máy đó cho khách khác. Mỗi điện thoại tại cửa hàng Thế Giới Di Động hiện nay đều có bảng đèn LED riêng hiển thị giá bán, nếu chiếc điện thoại cũ này đã có người đặt thị bảng đèn LED cũng hiện thông báo để nhân viên biết chiếc máy đã được đặt mua.

Theo nguyên tắc giữ hàng trong 24 tiếng đồng hồ, nếu người khách kia không đến nhận máy thì hệ thống sẽ “nhả" IMEI máy ra để được bán lại bình thường. Tất cả các việc này đều được tự động hoá hoàn toàn, không cần sự can thiệp của con người.

"Một chiếc điện thoại sau khi bán ra tại Thế Giới Di Động sẽ được phân chia lợi nhuận cho nhân viên bán được chiếc máy đó, cho quản lý siêu thị, cho quản lý vùng, cho thu ngân,... và mọi thông tin đều minh bạch trên hệ thống mà nhân viên có thể xem lại bất kỳ khi nào. Một nhân viên bán hàng có thể kiểm tra xem một ngày trước đã bán được bao nhiêu máy, được tính ngày công bao nhiêu tiền, đến hôm đó lương trong tháng của người đó là bao nhiêu,... Không chỉ biết lương của mình, nhân viên bán hàng có thể thấy lương của đồng nghiệp chung quanh để có động lực bán hàng nhiều hơn", ông Trọng chia sẻ.

Với đa dạng mặt hàng và chính sách khuyến mại khác nhau, một nhân viên bán hàng không thể nhớ hết mọi thông tin, nên các cửa hàng Thế Giới Di Động trang bị smartphone cho nhân viên. Chỉ cần gõ tên sản phẩm, mọi thông số kỹ thuật, chính sách khuyến mại áp dụng,... đều hiển thị trên màn hình. Ngoài ra, đối với mặt hàng gia dụng cần giao hàng, nhân viên có thể biết luôn thời điểm có thể mang đến nhà khách hàng mà không phải hỏi bộ phận giao nhận...

Chính việc áp dụng mọi thứ bằng công nghệ nên hạn chế được tối đa tình trạng tiêu cực. Chẳng hạn khi bên mua hàng thống nhất với các hãng để mua một lô hàng với các số IMEI cho trước, số lượng đã định thì khi nhập hàng nhân viên chỉ cần nhập các thông số này vào, nếu không khớp như ban đầu thoả thuận hàng sẽ bị trả lại.

Hoặc để đảm bảo đúng tiến độ việc giao hàng, lắp ráp tại chuỗi Điện máy Xanh, nhân viên lắp ráp buộc phải chụp 3 tấm ảnh từ lúc lấy hàng ra khỏi kho, lúc đế nhà khách hàng, và một tấm ảnh sau khi ráp xong. Mọi tấm ảnh đều phải gửi về hệ thống ngay sau khi chụp xong. Việc này nhằm báo cáo thời gian lấy máy từ kho, thời gian đi giao hàng, và việc lắp ráp có đúng quy trình hay không.

Tất nhiên, ông Trọng cho biết, không thể có một người ngồi để ghi nhận vô vàn hình ảnh gửi về xem có chính xác hay không mà Thế Giới Di Động sẽ dùng robot. Máy sẽ phân tích trong ảnh gửi về có đúng sản phẩm được giao hay không, thời gian từ lúc lấy máy khỏi kho đến khi ảnh chụp tại nhà khách hàng có hợp lý về quãng đường di chuyển hay không, hình ảnh sau khi lắp ráp có đúng quy định hay không. Nếu phát hiện sai sót, máy cảnh báo thì lúc đó mới có nhân viên giám sát kiểm tra.

Tại Thế Giới Di Động, ông Trọng phụ trách các giải pháp bề nổi nói trên, trong khi đó người chịu trách nhiệm chính về hệ thống công nghệ tầng dưới là ông Bùi Ngọc Tín, Phó Giám đốc CNTT. Ông Tín sẽ xây dựng hệ thống máy chủ, đường truyền, cách vận hành hệ thống,...

Ông Tín cho biết để đảm bảo khách hàng truy cập vào Website với tốc độ trung bình chỉ hơn 2 giây, máy chủ của Thế Giới Di Động sẽ đặt tại cả hai nhà cung cấp là Viettel và VDC. Nếu khách hàng truy cập từ mạng di động hay máy tính mạng Viettel thì thì các máy chủ tại Viettel sẽ đáp ứng, đối với các mạng khác thì VDC sẽ truyền tải, điều này đảm bảo tốc độ truy cập của khách.

Với hơn 90% khách hàng truy cập từ trong nước nên băng thông đường truyền cũng được chia theo tỷ lệ này. Do đó, theo ông Tín, nếu có cuộc tấn công DDoS từ nước ngoài thì chỉ việc khoá băng thông từ nước ngoài, sẽ chỉ ảnh hưởng đến 10% khách hàng. Ngược lại, nếu cuộc tấn công đó diễn ra trong nước thì dễ truy tìm nguồn gốc để phòng chống.

Kết nối Internet tại các siêu thị cực kỳ quan trọng vì dữ liệu từ đây đổ về hệ thống trung tâm liên tục, do đó đường truyền của mọi nhà cung cấp như VNPT, Viettel, FPT Telecom đều được thuê, thậm chí còn có cả mạng di động 3G để đảm bảo hoạt động liên tục.

Nếu Wi-Fi tại một siêu thị có vấn đề, quản lý siêu thị báo lên thì theo ông Tín, ngay lập tức trong vòng 2 phút phải có nhân viên CNTT tại TP.HCM tiếp nhận xử lý. Trong vòng 30 phút, dù siêu thị ở khu vực xa xôi nào thì sự cố này buộc phải khắc phục xong.

Thế Giới Di Động cũng xây dựng một hệ thống giám sát, để biết các thiết bị như camera, Wi-Fi, máy chủ,... đã đến thời kỳ phải sửa chữa, thay thế hay chưa. Chẳng hạn một thiết bị mua đã được 3 năm sẽ có cảnh báo trên hệ thống để biết thiết bị đã cũ, có thể hư hỏng để người theo dõi có phương án xử lý.

Trong sự kiện tổ chức cuối tuần trước, hầu như mỗi khi các ông Trọng, Tín trình bày một hình ảnh trên sân khấu, lập tức phía dưới có hàng loạt smartphone dơ lên để ghi lại các thông tin quan trọng. Ban tổ chức cho biết đã phải dời địa điểm sang một khu vực rộng hơn do số người mua vé cao hơn dự kiến. Cả khán phòng gần 1.000 người vẫn ngồi lại quá 12 giờ trưa để nghe giải đáp các câu hỏi - cho thấy tầm quan trọng của hệ thống quản trị nền tảng giúp Thế Giới Di Động có những bước phát triển thần tốc.

Ông Tài cho biết chi mỗi năm 100 tỷ cho hệ thống CNTT, với khoảng 320 nhân sự.