-Các thành phố ở Mỹ đều có Hiến chương thành phố, là văn bản pháp lý quy định cơ cấu tổ chức, quyền hạn, chức năng và các thủ tục cần thiết của chính quyền thành phố.
Hiến chương cũng quy định kiểu chính quyền thành phố, mà ở Mỹ từ trước đến nay phổ biến 5 hình thức: hội đồng – quản lý, thị trưởng – hội đồng; ủy ban – ban chấp hành, hội nghị thành phố và hội nghị đại biểu thành phố. Theo thống kê năm 2010 của Mỹ, trong số 30 thành phố lớn nhất, thì có đến 20 thành phố áp dụng mô hình thị trưởng – hội đồng. Còn 9 thành phố áp dụng mô hình hội đồng – quản lý.
Chế độ hội đồng – quản lý
Đặc điểm chung của mô hình này là hội đồng thành phố giám sát hoạt động quản lý chung, ban hành chính sách và ấn định ngân sách; Hội đồng bổ nhiệm quản lý thành phố chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động quản lý hàng ngày. Thông thường, thị trưởng được lựa chọn trong số các thành viên hội đồng trên cơ sở luân phiên.
Chính quyền New York City được tổ chức theo Hiến chương Thành phố, là một chế độ thị trưởng – hội đồng “mạnh”. Ảnh: Theo fronpagemap.com |
Trên quy mô toàn nước Mỹ thì đây lại là mô hình được sử dụng nhiều nhất.
Theo khảo sát của Hiệp hội quản lý thành phố/hạt quốc tế (ICMA), mô hình chính quyền này được 48% các thành phố sử dụng trong năm 1996 và đã tăng lên 55% vào năm 2006. Mô hình áp dụng phổ biến với các thành phố có dân số trên 10.000 người, chủ yếu ở khu vực duyên hải phía đông nam và Thái Bình Dương. Các trường hợp có thể kể đến bao gồm thành phố Phoenix, Arizona; Topeka, Kansas; Salt Lake City, Utah và Rockville, Maryland.
Thành phố Phoenix, Arizona là thủ phủ và là thành phố lớn nhất của Tiểu bang Arizona. Với dân số hơn 1,5 triệu người, Phoenix là thành phố lớn thứ 6 của Mỹ.
Thành phố Phoenix đang áp dụng chế độ chính quyền hội đồng – quản lý, bao gồm 3 chức danh chính – thị trưởng, thành viên hội đồng và quản lý thành phố.
Hội đồng thành phố Phoenix bao gồm thị trưởng và 8 ủy viên hội đồng, hoạt động như một cơ quan lập quy và lập sách của chính quyền thành phố. Mỗi ủy viên hội đồng được bầu bởi các thành viên trong nghị viện thành phố (council district), những người đại diện cho người dân của thành phố đó. Thị trưởng do dân bầu trực tiếp. Thị trưởng chủ trì các hội nghị của hội đồng và được nhìn nhận là người đứng đầu thành phố.
Quản lý thành phố phối hợp chặt chẽ với thị trưởng và ủy viên hội đồng để hỗ trợ họ xây dựng chính sách và các chương trình hoạt động. Giám sát hơn 150.000 cán bộ nhân viên, quản lý có trách nhiệm đảm bảo hoạt động liên tục và có hiệu quả của tất cả các dịch vụ thành phố do Hội đồng thành phố.
Chế độ thị trưởng – hội đồng
Trong mô hình quản lý này, chức danh thị trưởng được bầu riêng với hội đồng. Theo đó, quyền hạn về quản lý và ngân sách rất lớn. Tùy theo hiến chương thành phố, thị trưởng có thể có quyền lực yếu hoặc mạnh. Hội đồng được bầu và nắm giữ các quyền hạn về lập quy
Hiện có 34% thành phố áp dụng mô hình này (cũng theo khảo sát của ICMA). Đây là mô hình chính quyền được ưa chuộng thứ hai tại Mỹ. Mô hình này thường thấy ở các thành phố lớn cũ, hoặc các thành phố rất nhỏ và thường áp dụng nhiều nhất ở phía trung Đại Tây Dương và Trung Tây. Các thành phố có mô hình chính quyền thị trưởng – hội đồng tiêu biểu là New York, Houston, Texas; và Minneapolis, Minnesota.
Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn mô hình thị trưởng của thành phố New York.
Chính quyền New York City được tổ chức theo Hiến chương Thành phố, là một chế độ thị trưởng – hội đồng “mạnh”. Chính quyền New York City có tính tập trung hơn đa số các thành phố khác ở Mỹ, phụ trách giáo dục công, cơ quan cải huấn, thư viện, an ninh, giải trí, vệ sinh, nguồn nước và các dịch vụ an sinh. Thị trưởng được bầu nhiệm kỳ 4 năm, là người đứng đầu cơ quan chấp hành của chính quyền. Văn phòng thị trưởng quản lý tất cả các dịch vụ, tài sản công, cảnh sát và phòng cháy chữa cháy, đa số các cơ quan công cộng và thi hành luật tiểu bang và thành phố trong toàn bộ phạm vi New York City.
Hội đồng New York City là cơ quan lập quy đơn viện của thành phố New York City. Cơ quan này có 51 thành viên từ 51 nghị viện thành phố thuộc cả 5 khu. Hội đồng giám sát hoạt động và hiệu quả của các cơ quan thành phố, ban hành các quyết định về sử dụng đất và có toàn quyền phê duyệt ngân sách thành phố. Cơ quan này cũng ban hành quy định về nhiều lĩnh vực khác và mỗi thành viên được nắm giữ tối đa 3 nhiệm kỳ. Hội đồng là “đối tác” bình đẳng với Thị trưởng trong quản lý New York City.
Người đứng đầu hội đồng thành phố được gọi là chủ tịch (speaker), có trách nhiệm xây dựng chương trình nghị sự và chủ trì các phiên họp Hội đồng thành phố. Các dự thảo luật được đệ trình lên thông qua Văn phòng Chủ tịch. Chủ tịch hội đồng được các ủy viên Hội đồng bầu lên và có trách nhiệm tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề lớn.
Xu hướng
Những đánh giá cấu trúc chính quyền gần đâu cho thấy các kiểu chính quyền này đang trở nên ít khác nhau hơn so với trước đây. Đó một phần là vì các đặc điểm cấu trúc từ những dạng khác ngày càng có xu hướng được lồng ghép vào mô hình đang áp dụng. Sự pha trộn này cũng do phản ứng của địa phương trước các biến đổi kinh tế xã hội, dân cư và chính trị.
Sự kết hợp phổ biến nhất xuất hiện ở hai chế độ chính quyền phổ biến nhất, thị trưởng – hội đồng và hội đồng – quản lý. Trong tất cả các thành phố kiến nghị thay đổi cấu trúc chính phủ, kiến nghị phổ biến nhất là bổ sung thêm vị chí Chánh văn phòng (CAO). Sự chuyên nghiệp hóa về quản lý này cũng nhận được sự ủng hộ cao của cử tri.
Đình Ngân (giới thiệu)