- “No, no, con 5 tuổi”. Cái cách Jennifer khóc giống như là bị tổn thương khi bị người lớn ép nói dối để trốn vé đã in sâu vào tâm trí tôi - bạn đọc Nguyễn Phương Thảo chia sẻ với diễn đàn “Xem Tây ngẫm ta”.
>> Tây hay nhưng khó học lắm?
>> Nguyên Bộ trưởng kinh ngạc về Nhật sau chuyện cái ô ở công viên
Bác tôi và chồng định cư ở Canada đã nhiều năm. Con gái bác - Jennifer sinh ra và lớn lên ở Canada.
Cả gia đình vẫn nói tiếng Việt rất ổn và thi thoảng giao tiếp với một vài người trong cộng đồng người Việt sinh sống cùng khu vực. Nhưng văn hóa Việt Nam vẫn là điều gì đó rất xa lạ, ngoại trừ chiếc áo dài mà chị rất thích thú mỗi khi khoác lên mình.
Ảnh minh họa |
Năm 2006, bác tôi về thăm Việt Nam, mang theo Jennifer khi đó được 5 tuổi. Bác đứng ra tổ chức cho cả đại gia đình cùng đi du lịch bán đảo Tuần Châu.
Chuyện cũng chẳng có gì, nếu ở khu vực xem biểu diễn cá heo không có tấm bảng ghi miễn phí tiền vé cho trẻ em từ 3 tuổi trở xuống. Bác tôi vốn là dân buôn bán, nên phản ứng rất nhanh với việc thu - chi, liếc mắt nhìn ba đứa nhóc trong đoàn (Jennifer và 2 đứa nữa) đều 5 tuổi nhưng chỉ nhỏ như 3 tuổi (có lẽ do gen của gia đình, đứa nào lúc bé cũng còi còi), bảo: Lát người ta có hỏi thì nói ba đứa nói 3 tuổi nhé.
Hai đứa kia “vâng” một cách thản nhiên, mặc dù có lẽ cũng chưa hiểu vì sao lại như thế, nhưng người lớn nói sao thì sẽ là như thế, dù cho đó có là lời nói dối đi nữa.
Riêng Jennifer thì nhất định không chịu, nước mắt giàn giụa kêu: “No, no, con 5 tuổi”. Cái cách Jennifer khóc lóc không phải theo kiểu nhõng nhẽo, mà giống như là bị tổn thương, không hiểu nổi vì sao mẹ lại nói dối như thế.
Sau một hồi dỗ dành cho Jennifer nín, những người lớn thoáng bối rối, bác tôi thì phân trần: “Ở bên đó người ta không nói dối, đặc biệt dạy trẻ con không bao giờ được nói dối”. Sau đó mọi việc cũng êm xuôi, không có ai trong đoàn là 3 tuổi nữa cả, những đứa nhóc 5 tuổi cũng được tính giá vé như người lớn, bọn trẻ thở phào.
Câu chuyện này tuy rất nhỏ nhưng vẫn luôn theo tôi suốt 10 năm nay.
Tôi không tự nhận mình là người không bao giờ nói dối (đôi khi ta tự cho phép và biện minh cho mình về những lời - nói - dối - vô - hại), nhưng tôi có thể khẳng định rằng mình không bao giờ nói dối với trẻ con.
Việt Nam mình có câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, để biểu thị rằng trẻ con luôn là những đối tượng rất đáng tin, không bao giờ nói dối. Nhưng chúng lớn lên sẽ thế nào thì lại phụ thuộc hoàn toàn ở môi trường xung quanh.
Tôi cứ ngẫm, ở Việt Nam mình nói dối khắp mọi nơi, từ những hang cùng ngõ hẻm đến những đô thị phồn hoa, từ những người lao động chân tay lấm lem đến những người quyền cao chức trọng (có vẻ) thanh lịch... và thậm chí trong trường học người ta cũng dạy trẻ con nói dối.
Có một lần, tôi đã suýt khóc khi chứng kiến một đứa trẻ chỉ mới lên 3 nói dối, đứa trẻ chỉ mới đang tuổi tập nói, mà đã biết nói dối để tránh bị đòn. Buồn thay.
Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải. |
Nguyễn Phương Thảo (Hải Phòng)