PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho hay, đơn vị đã 2 lần đề nghị với các cấp có thẩm quyền về việc công nhận liệt sỹ cho cán bộ y tế tử vong khi tham gia chống dịch Covid-19. Mới đây, Bộ Y tế đã giao Công đoàn Y tế Việt Nam hoàn thiện hồ sơ để trình phong liệt sỹ cho các cán bộ hy sinh.
Theo bà Bình, từ đầu đại dịch đến ngày 9/8, đã có 2.380 cán bộ y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 khi làm nhiệm vụ. Con số này có thể là thống kê chưa đầy đủ và “sẽ còn tăng lên nhiều nữa”.
Trong đó, 3 người đã tử vong trong trận chiến chống dịch Covid-19, gồm 2 điều dưỡng ở TP.HCM và 1 nữ hộ sinh ở Bình Dương.
Được biết, Việt Nam cho đến nay chưa có tiền lệ về việc công nhận danh hiệu liệt sỹ cho nhân viên y tế tham gia chống dịch.
Tuy nhiên, theo ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 “hoàn toàn được xem xét công nhận là liệt sỹ”.
Bà Trang cho biết, khoản 3, Điều 59 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm nêu rõ: "Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng".
Bên cạnh đó, điểm k, khoản 1, Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công cũng nhấn mạnh, điều kiện công nhận liệt sỹ gồm có “đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội”.
“Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện đã quy định rõ việc xem xét công nhận liệt sỹ đối với các cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19”, ThS Trang, nhấn mạnh.
Bà Trang thông tin, hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận liệt sỹ sẽ theo quy định tại khoản 1, 2 điều 18 Nghị định 31/2013/NĐ-CP. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương của người hy sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng các Bộ và tương đương có thẩm quyền công nhận cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 là liệt sỹ. Sau đó, kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sỹ chuyển Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh tại tọa đàm trực tuyến Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu ngày 19/8: "Nhân viên y tế tuyến đầu đang làm nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng nhất hiện nay, là chăm sóc sức khỏe và hạn chế tối đã người tử vong do nhiễm Covid-19. Bởi vậy, cần bảo toàn cho lực lượng “chiến sĩ áo trắng ra trận” cả về sức khỏe, tinh thần". Ông Lộc cho rằng cần tăng cường chính sách cho lực lượng "ra trận", trước mắt là 3 phụ cấp: phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ. Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thì cho biết, Tổng liên đoàn cũng có chính sách riêng dành cho lực lượng y tế tuyến đầu. Theo đó, các y bác sĩ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng tiền ăn trong vòng 20 ngày. Tổng liên đoàn đồng ý để Công đoàn Y tế hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/người với lực lượng tuyến đầu và triển khai 20.000 bảo hiểm an toàn cho y bác sĩ. |
Triều Dương
Nước mắt rơi nơi tuyến đầu chống dịch
Theo thống kê từ đầu đại dịch đến ngày 9/8, đã có 2.380 cán bộ y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 và 3 người (2 điều dưỡng và 1 nữ hộ sinh) tử vong vì Covid-19 khi làm nhiệm vụ.