Không ít người phải nghiến răng, hậm hực, uất ức móc túi chấp nhận giá chợ đen tới mức cắt cổ hay họ có thể chìm đắm cả đêm ngoài đường sau mỗi chiến thắng mà lại không thể kiên nhẫn nán lại vài chục phút, vỗ tay ủng hộ đội nhà, chứng kiến những màn trao giải.

Là một người yêu bóng đá, giống như nhiều người Việt khác, tôi dành tình cảm cho bóng đá nước nhà.

Đáng tiếc là mỗi lần xem đội tuyển thi đấu niềm vui đọng lại quá ít, mà nỗi buồn thì cứ miên man, ngấm sâu, tắc nghẹn trong tiếng thở dài, để rồi sau trận chung kết với U-19 Nhật Bản mới đây thôi thì mọi dồn nén trở nên bức bối.

Khán giả đến sân làm gì?

Tôi tự hỏi người hâm mộ xứ mình vì sao có thể xếp hàng dài từ đêm, kiên nhẫn chờ đợi có khi cả ngày để mua được tấm vé. Không ít người phải nghiến răng, hậm hực, uất ức móc túi chấp nhận giá chợ đen tới mức cắt cổ hay họ có thể chìm đắm cả đêm ngoài đường sau mỗi chiến thắng mà lại không thể kiên nhẫn nán lại vài chục phút, vỗ tay ủng hộ đội nhà, chứng kiến những màn trao giải.

{keywords}
Khán đài tràn ngập sắc cờ đỏ lúc khai trận nhưng sẽ nhanh chóng vắng tanh khi tiếng còi kết thúc vang lên. Ảnh: baodautu

Ngay trận chung kết với Nhật Bản, khi giải được trao, nhiều khán đài bỗng trở nên trống vắng dù chỉ chục phút trước thôi sắc đỏ phủ kín cả một góc trời.

Văn hóa ứng xử trên khán đài của không ít khán giả từ lâu đã gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức của một bộ phận công chúng, có thể ảnh hưởng không chỉ đến tinh thần cao thượng thể thao của một trận đấu cụ thể, mà còn đến cả hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.

Cũng lại trận chung kết vừa rồi, khi cầu thủ Nhật Bản chạy dọc đường biên ăn mừng chiến thắng, đã có không ít chai nước ném về phía bạn, mà bạn thắng rõ ràng hợp lệ, nào có oan ức gì?

Sau mỗi trận đấu, sân Mỹ Đình, giống như thân phận của hàng chục sân khác trong cả nước lại ngập ngụa trong giác. Thôi thì thập cẩm đủ loại. Mà nào có nặng nhẹ gì nếu mỗi người ráng cầm chai nước, tờ báo của mình thêm vài chục mét, bỏ vào thùng rác trên đường rời sân?

Thực tế này ở đủ các môn thể thao khác…

Tôi tự hỏi những con người này đến sân làm gì? Có thực họ muốn tận hưởng những pha bóng đẹp, muốn đồng cảm, ủng hộ các vận động viên hay muốn đóng góp cho sự phát triển của thể thao nước nhà?

Tôi ngờ rằng họ đến chỉ để thỏa mãn niềm đam mê ích kỉ của mình và phải chăng vì thế, họ chấp nhận mất thời gian, công sức, tiền bạc để đạt được mục đích đó? Khi tiếng còi mãn cuộc nổi lên, dù hài lòng, thỏa mãn hay không, họ chẳng thấy phải có trách nhiệm ở lại, đứng dậy vỗ tay cảm ơn những người đã đổ mồ hôi cống hiến những pha biểu diễn để thỏa mãn niềm đam mê của họ.

Tôi ngờ rằng không ít trong số họ đến sân theo tâm lí đám đông, có người bỗng dưng nhận được vé mời, có người vì “ngoại giao” phải đến. Họ đến sân để chứng tỏ mình, để thể hiện mình dù có thể họ chả nhớ tên bất cứ cầu thủ nào dẫu cho thuộc đội nhà hay cũng chả hiểu được những luật lệ cơ bản nhất của cuộc chơi.

Có phải vì thế mà họ vội vã rời sân khi trận đấu hạ màn? Họ lo việc lấy xe, tắc đường hơn nỗi đau nhói lên trong trái tim biết bao vận động viên, huấn luận viên phía dưới.

Một chị bạn là VĐV bóng chuyền từng bảo tôi rằng chị sợ nhất khoảng thời gian ngay sau trận đấu. Toàn đội đứng xếp hàng vỗ tay, cúi đầu chào cảm ơn khán giả.

Mà từng hàng người phủi đít đứng dậy, quay lưng chen lấn ra về. Cả đội xót xa, nước mắt chực trào, cứ phải nuốt vào trong…

Trông ta, lại ngẫm đến người

Chứng kiến những trận đấu thể thao ở xứ người, dù chỉ là ở cấp câu lạc bộ, sao thấy khán giả của họ tôn trọng vận động viên đến vậy. Họ vỗ tay không chỉ khi tán tưởng, cổ vũ bàn thắng, những pha bóng đẹp mà cả khi một cầu thủ phải rời sân vì chấn thương hay kiệt sức. Cuối mỗi trận đấu, suốt những màn trao giải, từ bóng đá đến tennis, bơi lội đến boxing, người xem vẫn ở lại kín sân, đứng dậy vỗ tay tán thưởng, như lời cảm ơn, tri ân đến người phía dưới.

Hiếm khi nào người ta thấy khán đài ngập ngụa trong rác, nhà vệ sinh trong sân vận động hôi nồng nặc, chi chít trên tường những “tuyên ngôn” nhiều khi quá nhạt mùi văn hóa như ở xứ mình…

Đó mới là người hâm mộ thể thao đích thực…

Câu hỏi dành cho phần “mái”

Tôi cứ tự hỏi mình các nhà quản lí thể thao nghĩ gì về việc này? Họ có thấy cần thiết phải thay đổi nét ứng xử không chỉ phi văn hóa mà rất phi thể thao này không? Họ có hiểu rằng chẳng có nền thể thao nào phát triển nếu khán giả vẫn “nghiệp dư” như thế. Khán giả là móng, móng yếu thì nhà sao mà vững được?

Tôi đã chờ đợi hàng chục năm qua và với quan sát của mình, tôi hoài nghi về việc đã có những nỗ lực đủ, đầy từ phía nhà quản lí để thay đổi thực tế đáng buồn này.

Là bởi tôi từng chứng kiến không ít vị quan chức ngồi trên khán đài danh dự mải miết nghe điện thoại, nhắn tin khi phía dưới cầu thủ miệt mài thi đấu. Khuôn mặt của nhiều vị như vô hồn, một nụ cười hiếm gặp chứ chưa nói đến việc họ đứng dậy, vỗ tay tán thưởng những pha biểu diễn đẹp. Không ít vị mắt lơ đãng xa xăm khi bắt tay, trao giải cho vận động viên như thể xác họ thì đó mà hồn đang mải miết phía chân trời nào vậy…

Quan chức đã vậy, người bình luận cũng khiến vẻ đẹp thể thao méo mó theo một hướng khác.

Tôi tin rằng nhiều bạn đọc sẽ đồng ý với tôi rằng những bình luận, nhận định phiến diện, một chiều, vô duyên đáng tiếc thay ngày càng trở nên phổ biến. Khi ta phạm lỗi thì miêu tả là vào bóng “dũng mãnh”, “lăn xả”, “quả cảm” cứ như thể cầu thủ đang ra trận, còn khi lỗi từ đối thủ thì nào là “ác ý hay “nguy hiểm”. Ấy là chưa kể việc lờ đi những lỗi của mình, cường điệu lỗi của đối phương…

Niềm hy vọng mong manh

Thua đối thủ mạnh hơn mình, khi đã cố hết sức thì không có gì phải hổ thẹn. Bản chất cao đẹp của thể thao không phải là thắng-thua mà hướng đến cái đẹp, cái thiện.

Tôi không quá đau đáu về thành tích của từng vận động viên mà thay vào đó là sự trăn trở, thất vọng với “một bộ phận” không nhỏ trong nền móng và mái của nền thể thao nước nhà.

Bao giờ sân Mỹ Đình sạch sẽ, ngập tràn tiếng vỗ tay sau mỗi trận đấu, để mỗi cầu thủ nhẹ thêm bước chân trên đường vào phòng thay đồ?

Nguyễn Công Thảo