Theo Lei Jun, sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Xiaomi, công ty kỳ vọng doanh thu từ các dịch vụ di động như game và ứng dụng thanh toán sẽ tăng gấp ba trong năm 2015, lên gần 1 tỷ USD. Nếu đạt được mục tiêu này, dịch vụ di động sẽ trở thành một nguồn doanh thu quan trọng hơn cho Xiaomi, hãng điện thoại thành lập 5 năm trước.

Từ lâu, Xiaomi đã không giấu tham vọng trở thành gã khổng lồ Internet chứ không phải công ty điện thoại. Cuối năm 2014, nhà sản xuất đến từ Trung Quốc soán ngôi startup công nghệ giá trị nhất thế giới của Uber, một phần do các nhà đầu tư kỳ vọng Xiaomi có thể biến hàng triệu người mua smartphone của mình thành các khách hàng cho dịch vụ tài chính, giải trí…

Trước đó, Xiaomi ước tính đạt doanh thu 16 tỷ USD trong năm 2015, vì vậy số tiền 1 tỷ USD từ di động chiếm khoảng 6%. Năm 2014, ông Lei cho biết doanh thu từ dịch vụ chưa đầy 300 triệu USD. Nhằm mở rộng thị trường quốc tế, Xiaomi đang làm mọi cách trấn an người dùng về bảo mật dữ liệu như xây dựng cơ sở dữ liệu bên ngoài Trung Quốc. “Nếu chúng tôi muốn đi ra toàn cầu, chúng tôi phải tôn trọng luật và quy tắc của nước đó cũng như thói quen của người dùng”.

Trong buổi phỏng vấn sau khi ra mắt điện thoại cho người dùng Ấn Độ, nhà sáng lập Xiaomi gọi tên Alibaba và Tencent là các đối thủ trong tương lai. “Cách mà Tencent và Alibaba kiếm tiền ngày nay cũng là cách mà Xiaomi thực hiện trong tương lai”, ông nói.

Xiaomi khởi nghiệp như một nhà sản xuất smartphone giá rẻ. Công ty bán điện thoại chủ yếu trên mạng để cắt giảm chi phí và dựa vào mạng xã hội, quảng cáo “truyền miệng”. Năm ngoái, hãng vượt mặt Samsung để đứng đầu Trung Quốc về lượng smartphone xuất xưởng.

Ấn Độ là địa bàn quan trọng trong tham vọng mở rộng thị trường của Xiaomi. Công ty sẽ mở trung tâm nghiên cứu tại đây trong năm nay và xem xét chuyển một số cơ sở sản xuất sang Ấn Độ.