Nhà nước Việt Nam nhất quán luôn quan tâm, ban hành và điều chỉnh các chính sách phù hợp với thực tế, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Nhìn chung, hệ thống chính sách về giáo dục người khuyết tật tương đối đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện.

Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động trợ giúp giáo dục người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội. Các rào cản trong xã hội, trong giáo dục người khuyết tật từng bước giảm dần, quyền người khuyết tật ngày càng được đảm bảo tốt hơn.

Ảnh minh hoạ

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến người khuyết tật hiện nay, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật còn gặp nhiều bất cập, khó khăn, đặc biệt là nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật.

Hệ thống quản lý, chỉ đạo chưa đồng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn nhiều hạn chế. Việc chi trả các chế độ cho học sinh khuyết tật chưa được thuận lợi. Triển khai thành lập các trung tâm ở nhiều tỉnh, thành phố còn gặp các khó khăn, vướng mắc…

Tại hội thảo Tọa đàm Xóa bỏ rào cản đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm nay (23/6), phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Tạ Ngọc Trí nhận định: Tạo điều kiện thuận lợi, xóa bỏ rào cản trong xã hội đối với người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật là việc làm quan trọng và cần thiết. Do đó, tọa đàm là cơ hội để đưa ra những dẫn chứng, thực tế về các chính sách, pháp luật đã được thực thi trong thời gian qua cũng như nhận biết những rào cản, bất cập trong chính sách hiện nay để cùng góp ý, kiến nghị, tham vấn để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, điều chính, xây dựng chính sách phù hợp trong thời gian tới.

PGS. TS Nguyễn Xuân Thủy, Đại học Carleton chia sẻ: Trong thời gian đầu của nghiên cứu Dự án EDID - dự án liên quốc gia và nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam trong bối cảnh của Công ước về Quyền của người khuyết tật, cho kết quả là phần lớn phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong dự án có cơ hội tham gia nhiều hoạt động, chương trình và dự án liên quan đến người khuyết tật nhiều hơn so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, sự tham gia và cơ hội đó không đồng đều giữa các vùng, miền, giai tầng và độ tuổi. Phụ nữ khuyết tật thuộc các nhóm dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản liên quan đến sự giao thoa giữa giới, dân tộc và khyết tật, hạn chế sự tham gia của họ trong các không gian văn hóa, chính trị, xã hội.

Căn cứ vào những nghiên cứu đầu tiên PGS.TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cần rà soát lại các văn bản liên quan, góp ý, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tập tại Việt Nam.

Đàm Xuân An, Phùng Thu Thủy