Xóm chạy thận ở dọc đường Lê Ninh (đối diện Bệnh viện Đa khoa TP Vinh 2) là nơi cư ngụ của hàng trăm người bị suy thận đến từ nhiều vùng quê khác nhau trên địa bàn Nghệ An. Với họ, thời gian trọ ở đây còn nhiều hơn ở nhà, người ít thì 2 – 3 năm, người nhiều thì cả chục năm trời. 

Chúng tôi tìm đến dãy trọ số 32 đường Lê Ninh, nơi có 17 bệnh nhân đang ở. Dãy trọ có khoảng từ 15 phòng sát nhau, một phòng chỉ rộng hơn 10m2. Mái hiên dãy trọ được “trang trí” bằng những mái che lợp fibro xi măng, chỗ có, chỗ không, hoặc là những tấm bạt rách tả tơi.

Những tấm bạt rách tả tơi được những cư dân xóm chạy thận tận dụng che nắng - Ảnh: Hoà Bình

17 người này đến từ nhiều vùng quê khác nhau, ai cũng có hoàn cảnh riêng, song cùng chung bệnh nặng và cuộc sống khó khăn.

Ngồi nép mình bên hiên phòng trọ, tiếng thở nặng nhọc, bà Đồng Thị Son (65 tuổi, quê Yên Thành) cho biết, hơn 3 năm mang bệnh nặng, cũng bằng đó thời gian bà về tá túc tại dãy trọ này.

“Thời gian này nắng nóng quá, phòng trọ lại lợp bằng tấm tôn, ban ngày thì ngột ngạt, ban đêm không khác gì lò hầm hơi. Đến tận tối muộn, trời có mát hơn, khi đó mới có thể chợp mắt được một lúc”, bà Son vừa phe phẩy chiếc quạt mo cau vừa nói.

Những ngày hè oi bức, bà Son lại cảm thấy ám ảnh bởi không khí ngột ngạt, oi bức - Ảnh: Hoà Bình

Tuổi cao, chân tay cũng yếu dần, không còn sức để làm việc, chồng phải xuống chăm. Ngoài thời gian lọc thận 3 buổi/tuần, bà Son chẳng thể làm gì. Dưới cái nắng chói chang, bà chỉ có thể ngồi trong phòng, bởi ra ngoài vào thời điểm này rất dễ bị ngất xỉu.

Nằm cuối dãy trọ là gia đình ông Ngô Lộc Ninh (64 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hiệp (62 tuổi). Bà Hiệp bị mù cả 2 mắt nên mọi sinh hoạt thường ngày, cơm nước, đi khám, chữa bệnh đều do một tay chồng mình dìu dắt.

Chồng bà Hiệp dìu dắt vợ mình bị mù khi đi lại - Ảnh: Hoà Bình

Ngồi trên chiếc giường nhỏ trong căn phòng khép kín trên 10m2, bà Hiệp cho biết, 2 ông bà chuyển vào đây cũng được gần 5 năm. Nhà ở tận thị trấn Mường Xén, huyện biên giới Kỳ Sơn, cách TP Vinh hơn 200km, nên mỗi năm chỉ về nhà có 2 ngày vào dịp Tết.

“Nắng nóng, phòng chật hẹp nên 2 chiếc quạt hoạt động hết công suất, tháng này tiền điện lại tăng nữa rồi chú à. Mọi thứ đều đắt đỏ, riêng tiền phòng trọ, điện nước đã tiêu tốn hơn 1 triệu đồng”, bà Hiệp tâm sự.

Cách đó không xa là căn nhà cũ của Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh. Anh Kha Văn Gia (SN 1991, trú xã Yên Hòa, huyện Tương Dương), là một trong 13 thành viên của khu trọ chạy thân lộ rõ sự mệt mỏi vì nhiều ngày qua không ngủ được. 

Xuống Vinh chạy thận từ năm 2017, mỗi tuần anh Gia phải đi chạy thận 3 lần. Để có tiền trang trải, một ngày chạy thận, một ngày anh Gia chạy xe ôm. Chị Vi Thị Ôn, vợ anh Gia cũng phải gửi con ở ông bà rồi xuống Vinh kiếm việc làm thêm để phụ chồng.

Khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt đỏ hoe, anh Gia chia sẻ: “Mình suy thận giai đoạn cuối, giờ lại thêm cả vợ viêm cầu thận, viêm đa khớp. Nóng quá mình phải để vợ về quê một thời gian, chứ cứ 39, 40 độ C không thể chịu được”.

Hơn bao giờ hết, những cư dân xóm chạy thận nơi đây đều mong muốn có một giấc ngủ trọn vẹn mỗi khi đi chạy thận về, nhưng có lẽ điều đó là quá xa vời.

Hình ảnh cư dân xóm chạy thận chống chọi nắng nóng:

Chị Hồ Thị Minh (quê ở huyện Quỳnh Lưu) chống nóng bằng cách tưới nước khắp cả căn phòng, ngoài hiên...
 Bà Hiệp mù cả 2 mắt nên mọi sinh hoạt đều rất khó khăn- Ảnh: Hoà Bình
Góc nhỏ được chồng bà Son tận dụng làm nơi nấu ăn
Mùa hè nóng bức, đa phần người dân đều ra ngoài ngồi đón gió, chẳng mấy ai ở trong nhà trọ, nhất là vào ban ngày
Xối nước làm mát căn phòng trọ chật hẹp
Căn nhà cũ của Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh dù đã cũ kỹ nhưng là “mái ấm" thứ hai của không biết bao nhiêu bệnh nhân chạy thận - Ảnh: Hoà Bình

Hoà Bình